Theo quy hoạch của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt 6.500 ha; ổn định, cải tạo, thâm canh tăng năng suất diện tích chè kinh doanh đã có khoảng 3.197,5 ha/năm. Đến năm 2020, tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 39,7 nghìn tấn. Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, đến hết năm 2017, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt trên 5.000 ha; trong đó, chè kinh doanh đảm bảo mật độ gần 3.197 ha, chè kiến thiết cơ bản trên 1.800 ha.
Các địa phương có nhiều diện tích chè, trồng chè mới hiệu quả và người dân có thu nhập ổn định từ chè, gồm có 8 xã của huyện Mường Khương, 7 xã của huyện Bảo Thắng và một số xã của huyện Bảo Yên, Bắc Hà và Bát Xát. Từ sản phẩm chè búp tươi của Lào Cai đã được các công ty sản xuất chè trên địa bàn thu mua, chế biến thành chè xanh, chè tho bán cho các nhà máy ở trong nước và xuất khẩu trực tiếp thông qua các hợp đồng ủy thác sang thị trường Trung Đông, Nhật Bản, Đài Loan mỗi năm đạt khoảng 135 tỷ đồng. Điển hình như Công ty chè Thanh Bình (Mường Khương) thu mua và chế biến đạt 1.300 tấn chè khô xuất khẩu sang thị trường Trung Đông…
Qua khảo sát thực tế cho thấy, các địa phương trong tỉnh đã chủ động trong quy hoạch chè tập trung thành từng vùng trọng điểm, thuận lợi cho công tác quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm chè để xây dựng thương hiệu vùng chè. Người dân trên địa bàn một số địa phương trong vùng quy hoạch đã tích cực chuyển đổi các diện tích đất trồng sắn, ngô không hiệu quả sang trồng chè. Các hộ dân trồng chè thường xuyên có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động nông nghiệp vùng nông thôn.
Điều đáng quan tâm là mặc dù tỉnh đã có quy hoạch một số vùng trồng chè, song diện tích đất trồng chè nhiều địa phương do các hộ cá thể quản lý và sử dụng, nhiều diện tích không tập trung, hạ tầng giao thông tưới tiêu đến các nương chè còn hạn chế nên khó khăn cho việc thâm canh, quản lý và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, diện tích chè kinh doanh một số nơi chưa đảm bảo mật độ, năng suất thấp. Kinh tế hộ nông dân ở một số xã có vùng sản xuất chè còn nhiều khó khăn nên chưa coi trọng việc phải thay thế giống, đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè an toàn mà chất lượng là một khâu đột phá quyết định giá trị của sản phẩm cao. Hơn nữa, công tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè còn chưa chặt chẽ. Một số doanh nghiệp quản lý vùng nguyên liệu chè chưa có nhiều giải pháp tháo gỡ về thị trường, chế biến đa dạng sản phẩm, giá sản phẩm không ổn định nên làm ảnh hưởng đến việc mở rộng vùng nguyên liệu bền vững…
Chính vì vậy, để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây chè ở những vùng đã quy hoạch trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính bền vững, ổn định, phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp nông thôn, tỉnh Lào Cai đã quy hoạch vùng trồng chè nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với diện tích 1.000 ha; bố trí trên địa bàn các huyện: Bảo Thắng 255 ha, Bảo Yên 250 ha, Mường Khương 180 ha, Bát Xát 205 ha, Bắc Hà 70 ha, Sa Pa 40 ha.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, năm 2018, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị chè. Theo đó, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 483 ha chè chất lượng cao ở các huyện: Mường Khương 70 ha, Bát Xát 61 ha, Bảo Yên 156 ha, Bảo Thắng 165 ha, Sa Pa 31 ha; trồng mới 90 ha ở huyện Mường Khương 30 ha và Bát Xát 60 ha; áp dụng các biện pháp cải tạo, thâm canh 347 ha, nâng tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh đến hết năm 2018 đạt 920 ha; giá trị thu nhập cao hơn so với thu nhập bình quân chung trong sản xuất chè 25%.
Đồng thời, thực hiện thâm canh, tăng năng suất chè kinh doanh 1.205 ha; nâng tổng diện tích chè VieGAP trên toàn tỉnh đạt 3.505 ha, năng suất đạt 6 - 8 tấn; áp dụng một trong các tiêu chuẩn (VietGAP, Global Gap, HACCP, ICM, chè hữu cơ) để quản lý chè nguyên liệu ổn định chất lượng sản phẩm.
Đối với giống chè, lựa chọn các giống rõ nguồn gốc xuất xứ, giống sạch bệnh. Đối với giống chất lượng cao, lựa chọn giống Kim Tuyên, Bát Tiên, Hùng Đỉnh Bạch; sử dụng giống của các cơ sở có đủ các chứng nhận theo quy định; sử dụng phương pháp giâm hom; trồng chè bầu. Giống được lấy từ các vườn ươm đủ tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước.
Để hỗ trợ người dân trong vùng chè ứng dụng công nghệ cao, tỉnh sẽ hỗ trợ hình thành các tổ nhóm sản xuất trung bình 10 ha/tổ nhóm (Quy mô sản xuất tối thiểu 2.000 m2/hộ; 01 ha/hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp); hỗ trợ chuyển giao, hướng dẫn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, đáp ứng năng suất hoặc giá trị sản phẩm trên diện tích 1.000 ha cao hơn từ 25% trở lên so với năng suất và giá trị sản phẩm chè bình quân chung toàn tỉnh của năm liền kề trước đó.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới dây chuyền chế biến chè ô long tại các huyện; Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa và Bảo Yên; nâng cấp 02 dây chuyền sản xuất tại huyện Bảo Thắng và Mường Khương để chế biến các sản phẩm chè xanh chất lượng cao tạo ra các sản phẩm giá trị xuất khẩu cho các thị trường khó tính, nâng giá trị chè nguyên liệu.
Về kỹ thuật, công nghệ áp dụng: Cơ giới hóa trong khâu đốn chè; khâu làm đất, chăm sóc; trồng cây che bóng vườn chè; sử dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt; sử dụng hệ thống phun thuốc phòng trừ dịch bệnh tự động hoặc bán tự động; quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất (VietGAP)...
Hiện nay, các vùng nguyên liệu đều đã được phân cho các doanh nghiệp quản lý rõ ràng, giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục giao các công ty quản lý; các công ty có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại vùng quy hoạch để trồng mới đảm bảo diện tích, phân vùng quản lý. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần chè Thanh Bình. Công ty TNHH MTV Mường Hoa quản lý vùng nguyên liệu ở huyện Mường Khương; Công ty Cổ phần chè Phong Hải ở huyện Bảo Thắng...
Do đó, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hợp đồng thu mua nguyên liệu ổn định cho nhân dân vùng nguyên liệu với giá thu mua được quy định cụ thể theo phẩm cấp chè, tránh tình trạng doanh nghiệp ép giá người dân; đẩy mạnh kết nối cung cầu, từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới tiêu thụ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Trước những khó khăn của thị trường do diễn biến của dịch bệnh Covid - 19, đồng thời để người dân và doanh nghiệp tích cực triển khai ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi giá trị chè, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách phát triển; tập huấn nâng cao năng lực, nắm bắt được các quy định cũng như các kỹ thuật trong sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao cho nông dân; tại các vùng sản xuất có các bảng, biển hướng dẫn nhân dân để người sản xuất thực hiện quy trình.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát sản xuất chè an toàn, đặc biệt ở những vùng sản xuất tập trung để nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các qui định về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn; đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Sơn Thủy