Chiều 11-3, giá xăng dầu đã lập đỉnh liên tiếp lần thứ 7 kể từ kỳ điều hành hồi tháng 12-2021. Theo đó, giá xăng dầu tăng gần 3.000 đồng/lít và hiện giá bán lẻ xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít. Mức tăng giá xăng dầu lần này là mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, được sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.
Nhiều người dân than khó khăn khi chi phí sử dụng phương tiện cá nhân và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cũng tăng theo giá xăng dầu.
"Trước Tết, tôi đổ đầy bình xăng chỉ mất khoảng 120.000 đồng, còn giờ lên tới gần 180.000 đồng. Chưa kể, sau khi giá xăng tăng, giờ đi chợ, rau tăng 10.000 - 12.000 đồng/mớ tùy loại, thịt, cá cũng được thông báo tăng thêm do cước vận chuyển tăng", chị Tuyết, nhà ở Thanh Xuân (Hà Nội) nói và cho hay gia đình đang phải tính đến việc vợ chồng đi cùng một xe máy, để một xe ở nhà nhằm giảm chi phí.
Còn anh Hoàng Lương (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, từ sau Tết, khi giá xăng tăng cao, anh đã quyết định làm vé tháng để đi đường sắt Cát Linh - Hà Đông với mức 200.000 đồng/tháng thay vì đi xe máy dù lo ngại vấn đề dịch bệnh khi di chuyển đông người.
Trong khi anh Vũ Luyện (Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ, bình thường "nuôi" xe ô tô tối thiểu phải chi gần 2 triệu đồng/tháng, khi giá xăng tăng lên mức gần 30.000 đồng/lít thì chi phí "đội" lên rất nhiều.
"Trong lúc khó khăn dịch bệnh mà xăng tăng giá cao thì cuộc sống người dân sẽ khó thêm. Riêng tiền đổ xăng đi lại của tôi cũng mất thêm vài trăm nghìn/tháng, chưa kể hàng hóa tăng theo", anh Luyện cho biết thêm.
Nói về giá xăng dầu tăng mạnh, ông Hoàng Công Tùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Tân Phát cho biết: Doanh nghiệp có 10 xe chạy hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho các Công ty sản xuất khác trên địa bàn tỉnh. Trước đây, trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm khoảng 30% giá cước tùy phương tiện, tuy nhiên thời gian gần đây giá xăng dầu tăng liên tục đã khiến chi phí này tăng lên khoảng 45%, gây áp lực rất lớn đến quá trình hoạt động của Công ty, sắp tới chúng tôi bắt buộc phải tính toán các phương án điều chỉnh giá kinh doanh.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Danh Liên - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho hay xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí, do vậy việc tăng giá tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, đặc biệt vận tải hành khách.
Ông nói dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, không có khách đi xe, chịu lỗ rất lớn, đến nay mới bắt đầu phục hồi lại tăng giá xăng dầu.
"Tăng là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng nhưng rõ ràng các doanh nghiệp vận tải đang trong cảnh "khó chồng khó"", ông Liên nêu.
Vị này nhận định dù không mong muốn nhưng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá vé để bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, việc tăng giá vé sẽ ảnh hưởng tới túi tiền và khiến hành khách thêm phần ngại đi xe.
Bên cạnh khó khăn của người dân hay các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng cũng đang gặp nhiều khó khăn vì giá nhiên liệu tăng cao. Có những doanh nghiệp sử dụng hàng chục xe, máy các loại phục vụ thi công công trình, hàng ngày tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu. Nhiên liệu tăng giá mạnh khiến chi phí phát sinh thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng so với trước đây.
Với việc chịu khó khăn kép từ giá xăng, dầu và dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng vừa hoạt động cầm cự, vừa ngóng chờ vào giá xăng dầu để đưa ra các giải pháp thích ứng kịp thời. Các đơn vị cũng mong muốn các địa phương, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm thuế, giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn phục hồi sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19.