Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội hiện đã có hàng trăm cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình. Đa số các sản phẩm này đều “ăn theo” tên của những thương hiệu quen thuộc, có sự tương đồng về thiết kế bao bì, kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ, dung tích... khiến người mua dễ nhầm lẫn.
Giá cả của các loại nước đóng bình này cũng chênh lệch khá nhiều. Cùng là loại bình 20 lít, trong khi các sản phẩm của nhãn hiệu Satori, Lavie... được bán phổ biến ở mức giá 50.000 - 63.000 đồng/bình thì các sản phẩm do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất chỉ có giá 15.000 - 20.000 đồng/bình, thậm chí là dưới 10.000 đồng/bình.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Tụ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, khó khăn hiện nay trong vấn đề quản lý nước uống đóng bình là các cơ sở sản xuất tự phát mọc lên như nấm. Các gia đình, các hộ dân thường tự tổ chức sản xuất, khai thác, đặt hệ thống lọc nước làm kín trong nhà nên nếu không đăng ký thì cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
Do vậy, để quản lý chặt chẽ hơn, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền người dân khi mở ra dịch vụ cung cấp nước đóng bình phải có trách nhiệm sản xuất ra sản phẩm an toàn. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm. Ngoài ra, đối với những đơn vị tập trung, có nhu cầu sử dụng nước đóng bình lớn như bếp ăn hoặc trường học, phải trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra trước khi ký hợp đồng tiếp nhận.
Mất tiền nhưng mua phải sản phẩm kém chất lượng là điều không người tiêu dùng nào mong muốn. Chính vì vậy, trước hết chính người dân cần nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái; chỉ sử dụng nước đóng bình của những thương hiệu uy tín, được cơ quan chức năng kiểm nghiệm theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Trường Giang