Hiện nay, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với diện tích khoảng 123.000 ha, năng suất đạt 94,8 tạ/ha, sản lượng hơn một triệu tấn. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên trồng hơn 22.000 ha, Hà Giang 21.500 ha, Phú Thọ 16.000 ha, Lâm Ðồng 10.800 ha.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hiện có 38 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh chè… Toàn tỉnh đã hình thành hơn 186 chuỗi liên kết sản xuất chè bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết giữa người trồng chè với nhau cũng đang phát huy hiệu quả bằng việc chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.
Còn tại tỉnh Phú Thọ, việc hỗ trợ xây dựng một số chuỗi cung ứng chè bước đầu đã đạt được kết quả tốt, hình thành mối liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, hiện nay có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang thực hiện liên kết sản xuất với các hộ dân. Việc thực hiện liên kết góp phần bảo đảm quản lý và xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng ngay từ khâu trồng đến sản xuất. Ðến nay, toàn tỉnh đã thực hiện liên kết theo chuỗi hơn 1.500 ha, chiếm 18% diện tích.
Ở nhiều địa phương, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chất lượng thấp, hạn chế trong việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến, khiến năng suất, chất lượng chè chưa cao; một số địa phương chưa có định hướng phát triển cụ thể cho từng giống chè để phát huy tiềm năng, lợi thế và thực hiện các cánh đồng lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất chè lớn đã quy hoạch được vùng nguyên liệu, nhưng một số địa phương vẫn cho phép xây các cơ sở sản xuất nhỏ, dẫn đến tranh mua, tranh bán nguyên liệu.
Ðể cây chè phát triển bền vững và trở thành cây trồng giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, thời gian tới các địa phương cần thúc đẩy phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và chế biến; đào tạo, tập huấn cho nhân dân về sản xuất, thu hoạch và chế biến chè an toàn, bền vững; quy hoạch vùng sản xuất an toàn gắn với các cơ sở chế biến; phân vùng nguyên liệu tránh tình trạng tranh mua, tranh bán. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất chè cần tích cực đổi mới thiết bị công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng giá trị và hiệu quả sản xuất chè.
Thu Hoài