Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, lượng du khách chọn du lịch văn hóa làng nghề chiếm tới 60% trong tổng số 800 triệu du khách trên toàn thế giới. Sản phẩm trà nổi tiếng cùng với sự đa dạng về tài nguyên của các làng chè đang có được sự cuốn hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước. Thêm vào đó, hiện nay các công ty du lịch lữ hành ra đời ngày càng nhiều và luôn tìm kiếm, khai thác những địa điểm, sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Vẻ đẹp của miền đất và con người nơi vùng chè nổi tiếng sẽ là điểm khai thác mà các công ty du lịch lữ hành ngắm tới để hợp tác đầu tư.
Trên thực tế, mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng chè đã được áp dụng ở nhiều vùng chè tại các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La… đang dần dần nhận được nhiều kết quả mong đợi.
Nổi bật trong số đó là mô hình Hoàng Nông Farm ở xóm Đoàn Thắng, xã Hoàng Nông (Đại Từ). Chia sẻ với báo chí, Anh Nguyễn Văn Tùng, chủ cơ sở Hoàng Nông Farm cho biết, nhận thấy được tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch sinh thái ở quê nhà, năm 2017, anh đã đầu tư làm cơ sở lưu trú theo hình thức Homestay.
Du khách đến với Hoàng Nông Farm sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động như: khám phá hệ sinh thái rừng, suối Cửa Tử; trải nghiệm hoạt động sản xuất, chế biến chè… Ngoài các hoạt động trên, đơn vị còn giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm chè cho nhiều cơ sở sản xuất tại địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, khu nghỉ dưỡng thu hút được khoảng 100 lượt du khách đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đồng quan điểm với anh Tùng, Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Hà Thái đánh giá: “Du lịch trải nghiệm thì chúng ta sẽ thu lợi nhuận kép. Thậm chí nó tăng 3-5 lần như trải nghiệm tham quan thắng cảnh, ăn, nghỉ, mua sắm..lúc bấy giờ thu nhập của người dân sẽ tăng”.
Với việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường. Có thể thấy, các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông mà còn tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ.
Theo bà Cao Thị Hồng - Phó Tổng Giám đốc Vinatea: “Để ổn định năng lượng sản xuất, thì việc bảo đảm nguồn thu nhập cho người dân trồng chè hiện nay là cực kỳ quan trọng. Cùng với đó, để đảm bảo được sự đầu tư lâu dài cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động, Vinatea cũng đang hướng đến xây dựng mô hình du lịch sinh thái kết với nông nghiệp chè”.
Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp xảy ra tại Việt Nam khiến cho việc xuất khẩu bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ cũng trực tiếp làm cho sức tiêu thụ nội tiêu trong nước bị ảnh hưởng ít nhiều. Vô hình chung khiến cho mô hình du lịch sinh thái kết hợp với trồng chè ở nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng đến hoạt động du lịch, lượng du khách sụt giảm mạnh. Đặc biệt, nhiều loại hình du lịch trong đó bao gồm du lịch sinh thái kết hợp với trồng chè gần như phải ngủ đông khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào đầu mùa hè.
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu được đi du lịch trở lại của người dân sẽ tăng cao hơn, nhưng thay vì tự do lựa chọn những điểm đến theo sở thích như trước, du khách sẽ để tâm hơn đến yếu tố an toàn. Nắm bắt được sự thay đổi trong nhu cầu của du khách chính là cách để các doanh nghiệp có thể thiết kế những gói sản phẩm phù hợp, giúp du khách yên tâm về tâm lý và thoải mái khi trải nghiệm dịch vụ. Ðây cũng là cách giúp doanh nghiệp thích ứng trong tình hình mới.
Nhận định về hình thức du lịch phổ biến sau dịch, PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Sau đại dịch sẽ là thời điểm lên ngôi của du lịch cá nhân, du lịch theo gia đình, theo những nhóm nhỏ để hạn chế sự tập trung đông người. Theo đó, các hình thức du lịch được lựa chọn phổ biến sẽ là du lịch sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng ở những nơi có không gian tương đối độc lập và không phải di chuyển nhiều. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tính đến xây dựng và cung ứng những sản phẩm nội địa theo hướng này để phục vụ du khách hàng. Ðồng thời, kênh kinh doanh online càng cần phải đẩy mạnh để đáp ứng xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng tăng…
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.