Lịch sử uống trà của người dân Myanmar
Theo những ghi chép lịch sử, trà được vua Alaungsithu du nhập vào đất nước và được phục vụ trong hoàng gia Miến Điện từ những năm 1100, thuộc triều đại Pagan. Sau đó, do sự ảnh hưởng của Phật Giáo, trà ngâm đã được dùng để thay thế rượu trong các nghi lễ. Đến cuối những năm 1500, một phong trào cải cách Phật giáo đã diễn ra và đạt được thành công trong việc ngăn chặn uống rượu và ủng hộ ăn trà ngâm.
Về sau, trà không chỉ là loại thức uống yêu thích của cung đình mà còn trở thành món ăn ngon được sử dụng trong các lễ hội. Trong thời kỳ tiền thuộc địa, Lahpet Thoke còn được xem là biểu tượng hòa bình khi là vật được dùng để trao đổi sau khi giải quyết tranh chấp giữa các vương quốc.
Ngày nay, trà vẫn là thức uống được dùng phổ biến tại Myanmar với sản lượng thu hoạch hàng năm đạt 60.000 - 70.000 tấn trên 700km2 (270 sq mi). Trong số lượng trà được tiêu thụ, trà xanh chiếm 52%, trà đen 31% và trà ngâm 17%
Nguồn gốc món Lahpet Thoke
Myanmar có một diện tích trồng trà lớn và đi đến nơi đâu chúng ta cũng thấy sự xuất hiện của lá trà. Người dân Myanmar uống trà hàng ngày, trong bữa ăn, tiếp khách và họ uống trà nhiều như uống nước lọc hàng ngày. Trà Myanmar nổi tiếng là thơm ngon và được rất nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng.
Trong tiếng Myanmar, "lahpet" có nghĩa là trà xanh và "thoke" có nghĩa là salad. Món ăn này thực chất là salad gồm lá trà lên men, đậu phộng rang và một số loại đậu khác, chút vừng, tỏi và nếu thích bạn có thể trộn thêm cùng tôm và cà chua xắt nhỏ. Tất cả những thành phần này được bày riêng rẽ trên đĩa để bạn có thể tự kết hợp chúng lại với nhau.
Trong quá khứ, Lahpet Thoke từng là món ăn dùng để hòa giải giữa các tiểu vương quốc tại vùng Miến Điện. Cho tới bây giờ nó vẫn là một phần ẩm thực của Myanmar, trở thành món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ đặc biệt để tưởng nhớ về một thời cơ cực đã qua.
Cách chế biến lên men Lahpet truyền thống
Lá trà xanh lên men, hay còn được gọi là Lahpet được coi là linh hồn của món ăn. Khi vào mùa thu hoạch trà, người dân Myanmar sẽ để một nửa sấy khô rồi uống, và nửa còn lại dùng để lên men. Lên men trà là một quá trình dài và được bắt đầu ngay sau khi lá trà được hái xuống, trước khi chúng có cơ hội oxy hóa.
Quy trình lên men Lahpet truyền thống gồm ba bước cơ bản: hấp trà, lên men và điều chỉnh. Cụ thể, lá và búp trà non sau khi được thu hái sẽ mang đi hấp trong khoảng năm phút. Sau đó, lá trà đã hấp được cho vào vại tre hoặc vại sành đặt trong hố đất và ép vật nặng lên trên.
Quá trình lên men của trà được kiểm tra theo chu kỳ và có thể phải mang đi hấp lại. Trà sẽ bắt đầu quá trình lên men kỵ khí bằng cách hình thành các vi khuẩn axit lactic tự nhiên và hoàn thành trong khoảng 3 - 4 tháng. Quá trình này sẽ được biểu thị bằng sự thay đổi màu sắc của lá trà, từ xanh lục sang xanh vàng, kết cấu lá mềm hơn và độ chua giảm dần theo thời gian.
Sau khi hoàn tất quá trình lên men, lá trà được rửa sạch, vắt ráo nước là đã sẵn sàng kết hợp với các nguyên liệu khác để làm món Lahpet Thoke trứ danh. Thành phẩm được tạo thành có sự hòa quyện của vị đắng nhẹ, chua thanh, thoảng mùi hương tựa đất ẩm sau cơn mưa và phảng phất chút hương cam quýt nhẹ nhàng.
Tại Myanmar, salad lá trà được ăn như một món ăn nhẹ và kỳ lạ hơn là chúng hay được phục vụ sau cùng trong bữa ăn, thay vì là món khai vị như những loại salad khác. Lá trà lên men đóng gói cũng phổ biến như một loại snack ăn vặt tại quốc gia này. Cũng giống như rong biển hay mơ muối tại Nhật Bản, vào thời kỳ khó khăn, người dân Myanmar cũng chỉ ăn những bát cơm có độc lá trà lên men Lahpet. Ngày nay, Lahpet Thoke đã trở thành một trong những món ăn Myanmar nổi tiếng nhất trên bản đồ ẩm thực thế giới.