Tờ Nikkei Asia Review hôm 9/4 cho biết, GoldFX Investment (GFX), một công ty của Campuchia, đã thông báo tạm dừng hoạt động từ tháng 3 và đến nay vẫn chưa nối lại dịch vụ.
Một hãng tin địa phương nước này dẫn tin từ phía đại diện công ty cho biết lý do GFX chưa có động thái là ba cựu lãnh đạo của công ty biển thủ 20 triệu USD. Tuy vậy, lời giải thích này không khiến cho các nhà đầu tư hài lòng.
Nhiều người đã lên mạng xã hội kêu gọi công ty trả lại tiền. "Đây là trách nhiệm của công ty", nhà đầu tư tên Roum bức xúc với Nikkei Asia, vị này là một nhân viên y tế và đã đầu tư 3.000 USD vào GFX hai năm trước.
Trên trang web, GFX có hơn 30.000 khách hàng tại Campuchia. Mỗi tài khoản khách hàng phải có tối thiểu 1.000 USD. Nguồn tin báo chí địa phương cho biết công ty này giữ ít nhất 27 triệu USD của các nhà đầu tư.
Vụ bê bối đã trở thành tâm điểm chú ý trong thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh ở Campuchia. Các chuyên gia cho biết vụ việc này làm dấy lên những rủi ro mà các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm có thể không hiểu những gì họ đang mắc phải.
Mức lợi nhuận "trên trời" thu hút các nhà đầu tư
Ông Stephen Higgins, một cựu giám đốc ngân hàng ở Campuchia, cho rằng việc GFX cam kết khách hàng đạt lợi nhuận 5 - 10%/tháng là quá vô lý. "Đầu tư ngoại hối không thể giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn mỗi tháng", ông Higgins nói.
Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Campuchia (SERC) bắt đầu cấp giấy phép cho các giao dịch phái sinh. Liên quan đến GFX, trả lời Khmer Times hồi năm ngoái, Tổng giám đốc SERC Sou Socheat cho biết quy mô thị trường phái sinh tại Campuchia tăng từ 5 triệu USD năm 2017 lên 200 triệu USD vào năm 2019.
Một nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm cho biết hiện xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức phái sinh ngoại hối về vàng và chứng khoán phái sinh. Họ thường lôi kéo những nhà đầu tư mới với cam kết đạt lợi nhuận cao trong thời gian ngắn và ăn tiền hoa hồng, phí dịch vụ từ họ.
"Những nhà đầu tư nói trên gần như có rất ít hoặc không có kiến thức về tài chính. Họ thường rỉ tai nhau rằng có thể giàu lên nhanh chóng nhưng trên thực tế đó là điều không thể nếu bạn đầu tư theo cách này. Đây không chỉ là vấn đề ở Campuchia, tôi thấy hình thức này đã xuất hiện khắp trong khu vực sông Mekong", vị này khẳng định.
Liệu GFX có phải đối mặt trước pháp lý hoặc quy định nào hay không vẫn đang được xem xét. Phía GFX không đưa ra câu trả lời trước yêu cầu bình luận.
Trong một tuyên bố vào ngày 31/3, công ty kêu gọi các nhà đầu tư tham gia một vụ kiện pháp lý chống lại các thành viên thuộc hội đồng quản trị cũ bị cáo buộc tham ô.
Ông Roum, nhà đầu tư tại GFX, cho biết ông không tin rằng công ty này cũng là nạn nhân. Sau khi đầu tư 3.000 USD vào công ty này từ hai năm trước và nhận tiền hàng tháng, ông cũng không hiểu số tiền này được tạo ra như thế nào.
"Đôi khi là 150 USD hay 100 USD hoặc ít hơn. Họ làm (giao dịch) thay cho tôi và nói rằng đầu tư vào đây còn tốt hơn là gửi tiền vào ngân hàng", ông Roum cho biết.
Ông cũng nói thêm rằng nếu GFX không trả lại tiền, các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Campuchia sẽ không dám đầu tư tiền vào thị trường tài chính nữa. "Mọi người sẽ sợ, không dám đầu tư kể cả vào những công ty tốt. Đây sẽ là vết thương không bao giờ lành", ông nói.
Tường Vy
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết