Trong báo cáo phân tích mới cập nhật, Chuyên gia phân tích của Agriseco Research cho biết, lũy kế từ mức đỉnh đầu năm (T2/2022) cho tới nay, cổ phiếu ngành ngân hàng đã được chiết khấu, trung bình khoảng 40%. Bên cạnh đó, định giá nhóm ngân hàng theo P/B (1,4x) vẫn đang ở dưới mức trung bình 5 năm (2,0x). Do vậy, Agriseco Research đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở vùng giá hấp dẫn để đầu tư.
Tuy nhiên, AGR cho rằng cơ hội sẽ không trải đều cho tất cả cổ phiếu mà sẽ có sự phân hóa. Những ngân hàng được cấp room tín dụng cao hơn so với ngành, tăng trưởng bền vững, bộ đệm an toàn vốn và chất lượng tài sản tốt sẽ có triển vọng khả quan hơn và ngược lại. Bên cạnh đó, kế hoạch tăng vốn cuối năm cũng sẽ là đà thúc đẩy hỗ trợ cho giá cổ phiếu ngân hàng.
Agriseco Research đã đưa ra khuyến nghị mua dành cho 3 cổ phiếu ngân hàng gồm BID, VCB và VPB.
Theo Agriseco Research, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) là một trong những ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Được thành lập lâu đời, BID đã tạo dựng được cho mình hệ sinh thái đa dạng ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán và các chi nhánh, văn phòng đại diện phủ rộng khắp trong, ngoài nước.
Kế hoạch 2022 của Ngân hàng đặt ra tăng trưởng mức ấn tượng: lợi nhuận trước thuế đạt 20.600 tỷ đồng (tăng 52% so với năm trước) với động lực tăng trưởng chủ yếu tới từ việc giảm chi phí dự phòng. Đáng chú ý, chi phí này dự kiến sẽ giảm từ 29 nghìn tỷ đồng năm 2021 xuống 23 nghìn tỷ đồng năm 2022 tạo động lực cho lợi nhuận tăng mạnh mẽ.
Cũng theo AGR, kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2022 tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Tổng thu nhập hoạt động của BID đạt 34.372 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng giảm thiểu đáng kể - 12,2% và chi phí hoạt động được kiểm soát tăng 16,8% đã giúp lợi nhuận trước thuế BID đạt 11.084 tỷ đồng (tăng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái), thực hiện được 54% kế hoạch cả năm.
Chất lượng tài sản được cải thiện tốt: Nhờ việc tích cực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, tỷ lệ nợ xấu (NPL) hết quý II/2022 của BID dù có tăng nhẹ lên 1,02% từ mức 0,97% đầu năm nhưng vẫn ở mức thấp trong ngành. Bên cạnh đó, BID đã nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao kỷ lục 263% từ mức 259% quý I và trích lập dự phòng đủ 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu (thay vì phân bổ trong 3 năm) sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản cùng cơ hội hoàn nhập trong tương lai khi các khoản nợ xấu được xử lý.
Kế hoạch tăng vốn: BID dự kiến chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 455,27 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 9%, thời gian thực hiện dự kiến trong 2 năm 2022 – 2023. Điều này sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn lực về vốn và cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) là ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất hệ thống hiện nay.
Với thế mạnh của mình, ngân hàng duy trì được vị thế dẫn đầu trong các hoạt động ngoại thương, kinh doanh ngoại hối. Bên cạnh đó, VCB cũng đã tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng (ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – dịch vụ tài chính) đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
Báo cáo phân tích của AGR cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế quý II/2022 của VCB tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.942 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng tốt 14,4% so với đầu năm và chi phí dự phòng giảm 15%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt 13.909 tỷ đồng (tăng 27,9%) và hoàn thành 51% kế hoạch đặt ra.
Vừa qua, NHNN nới room tăng trưởng tín dụng cho VCB thêm 2,7% đã đưa tổng hạn mức của ngân hàng lên top đầu ngành 17,7%. AGR kỳ vọng, ngân hàng có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra đầu năm nay và thậm chí có thể vượt mục tiêu đề ra. Cùng với đó, VCB có thể mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng trong các năm sau khi đã nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng.
Là ngân hàng duy nhất trong nhóm NHTM cổ phần quốc doanh có mức CASA cao top đầu ngành (quý II/2022: 35,4%). Điều này sẽ giúp ngân hàng tối thiểu hóa được chi phí vốn, mở rộng biên lãi thuần NIM, gia tăng thu nhập lãi thuần.
Chất lượng tài sản duy trì vị thế đầu ngành: Nợ tái cơ cấu của ngân hàng đã giảm mạnh gần 50% so với quý trước và chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VCB hết quý II/2022 đã giảm còn 0,61% từ mức 0,81% quý I và thuộc top thấp nhất ngành. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao kỷ lục toàn ngành 504% từ mức 373% quý I sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản và cơ hội hoàn nhập trong tương lai cho ngân hàng khi các khoản nợ xấu được xử lý.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) hiện là một trong những NHTM tư nhân có đà tăng trưởng bứt phá mạnh mẽ. Nhờ chiến lược định hướng tập trung mảng bán lẻ và tín dụng tiêu dùng với tỷ suất sinh lời cao cùng việc mở rộng hệ sinh thái, phát hành cho đối tác chiến lược trong thời gian tới, VPB sẽ mở rộng được mạng lưới khách hàng, đa dạng hóa nguồn thu và trở thành ngân hàng có quy mô nguồn vốn hàng đầu hệ thống.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng năm 2022 đạt 15.323 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ (chủ yếu nhờ khoản thu đột biến phân phối độc quyền bancassurance trong Q1/22), thực hiện được 52% kế hoạch đầu năm. Mặc dù vừa qua, VPB đã được NHNN điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng thêm 0,7%, nhưng AGR kỳ vọng ngân hàng vẫn có thể đạt được mục tiêu đặt ra qua việc đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, cơ cấu lại danh mục tín dụng cùng mảng tín dụng tiêu dùng phục hồi. Việc mua 97% cổ phần Chứng khoán ASC cùng công ty bảo hiểm OPES cũng sẽ giúp ngân hàng mở rộng đa dạng hóa hệ sinh thái và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Kỳ vọng mảng tín dụng tiêu dùng FE Credit sẽ hồi phục trở lại trong nửa cuối năm, đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng khi nền kinh tế dần trở về bình thường.
Kỳ vọng kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ được ngân hàng tiến hành trong giai đoạn cuối năm. Điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hệ số an toàn vốn CAR và mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng cho VPB. Các kế hoạch tăng vốn đặt ra trong năm nếu hoàn thành sẽ đưa VPB trở thành một trong những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống.