Mưa lớn gây ngập lụt các tỉnh miền Trung

Mưa lớn gây ngập lụt các tỉnh miền Trung

Mưa lớn nhiều ngày qua khiến mực nước tại các sông, suối trên địa bàn các tỉnh miền Trung dâng cao và chia cắt mạnh. Hàng ngàn hộ dân được di dời đến nơi an toàn, một số tỉnh đã cho học sinh nghỉ học…

Mưa lớn gây ngập lụt các tỉnh miền Trung - Ảnh 1
Mưa lớn gây ngập lụt các tỉnh miền Trung

Ngày 8/10, toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa vừa, riêng vùng núi nhiều nơi có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 8/10 các khu vực phổ biến từ 5 - 22mm, có nơi cao hơn như Hòa Duyệt 66mm, Chu Lễ 95mm, Hương Khê 92mm, Hương Trạch 88mm…

Dự báo từ sáng 9/10 đến sáng 10/10, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên toàn tỉnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức 200 - 350mm.

Từ chiều ngày 10 - 11/10 mưa có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ ngày 12 - 14/10 có khả năng toàn tỉnh tiếp tục xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to. Tình hình mưa lớn trong đợt này còn diễn biến phức tạp cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo.

Ông Trần Đức Bá – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh thông tin, nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở trung du và vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp. Trong cơn dông cần đặc biệt đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh.

Mưa lớn kéo dài cùng với việc hồ thủy điện Hố Hô xả lũ đã gây ngập cục bộ, chia cắt tại một số địa bàn thuộc huyện Hương Khê như: Hương Đô, Hương Thủy, Hương Giang, Hà Linh, Hòa Hải, Phương Điền, Phương Mỹ.

Người dân vùng lũ đi lại chủ yếu bằng thuyền.
Người dân vùng lũ đi lại chủ yếu bằng thuyền.

Ông Trần Đình Hùng - Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết: “Hiện tại, mưa lớn vẫn đang tiếp diễn nên để đảm bảo an toàn cho học sinh, Phòng GD&ĐT huyện đã quyết định cho học sinh từ mầm non đến bậc THCS nghỉ học từ ngày 9/10”.

Theo đó, ngày hôm nay 9/10, toàn huyện có 55 trường với hơn 23 ngàn học sinh sẽ nghỉ học, việc dạy và học của các trường sẽ được tiếp tục sau khi nước rút.

Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cũng chỉ đạo các trường học linh động bổ sung lịch dạy bù, học bù hợp lý để đảm bảo chương trình.

Hiện, lực lượng chức năng, người dân đã và đang phối hợp tổ chức các chốt chặn ở các điểm nguy hiểm cảnh báo người dân không qua lại.

Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của vùng áp thấp nhiệt đới, UBND huyện Hương Khê đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất ở vùng núi.

UBND huyện chỉ đạo, kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các vùng sạt lở bờ sông như tại xã: Lộc Yên, Hương Xuân, Hương Trạch, Gia Phố...; các vùng trồng keo, độ dốc lớn có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống lũ quét tại các xã: Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Lâm, Hòa Hải…

Kiểm tra các điều kiện đảm bảo, hướng dẫn, cắm biển báo và có các biện pháp cảnh báo giao thông, nhất là các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn, ngầm qua suối; cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ...

Dự báo, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên.

Trong đó, tại Quảng Bình, có 25 thôn, bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các Quốc lộ 15, Quốc lộ 12, 9B, 12A  bị ngập với độ sâu từ 0,5 - 1m; tỉnh lộ: 562, 559B bị ngập 1,5 - 2m gây cản trở giao thông.

Nước lũ ở thị trấn Kiến Gian, huyện Lệ Thủy - Quảng Bình dâng cao.
Nước lũ ở thị trấn Kiến Gian, huyện Lệ Thủy - Quảng Bình dâng cao.

Tại Quảng Trị, mưa lớn nhiều ngày qua khiến mực nước tại các sông, suối dâng cao và chia cắt mạnh khiến 1 người chết và 7 người mất tích. Trong đó, tại huyện miền núi Hướng Hóa và Triệu Phong 5 người bị nước cuốn trôi, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Tại huyện Gio Linh, 2 thuyền viên trên tàu Viet Ship 12 đang neo đậu tại cảng Cửa Việt bị sóng đánh chìm đến nay vẫn chưa liên lạc được. Việc tìm kiếm, cứu hộ gặp khó khăn vì trời mưa to, sóng biển dữ dội. Quảng Trị, 20 xã, phường bị ngập lụt, chia cắt cục bộ (07 xã của huyện Hướng Hóa, 04 xã của huyện Đakrông, 03 xã của huyện Cam Lộ và 06 phường tại thành phố Đông Hà).

Tại Thừa Thiên Huế, QL49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 - 1m; nhiều tuyến Tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 - 0,5m; các thôn Tam Lanh xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung. Trong Công điện có nhấn mạnh: UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Bình Tĩnh – Phước Tuấn