Theo Cục Trồng trọt, tính đến năm 2020, cả nước ta có 34 tỉnh, thành trồng chè, với 123,3 nghìn ha. Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha)…
Về giá trị, xuất khẩu chè 11 tháng năm 2020 đạt 201 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020, ước cả năm 2020 đạt khoảng 220 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm, nguyên nhân do giá xuất khẩu giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định, năm 2020, ngành chè gặp rất nhiều khó khăn, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi đó, các hợp đồng mới gần như không có. Đáng chú ý, vấn đề chi phí vận tải cũng gây khó khăn cho nhiều ngành hàng nông sản, trong đó có ngành chè. Nếu như mọi năm, chi phí vận tải chỉ khoảng 700 - 900 USD/container thì năm nay lên tới 2.700 - 3.000 USD/container, cao gấp 3 lần, tạo sức ép rất lớn về chi phí, trong khi giá chè lại giảm. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa là một trong những thị trường quan trọng cho mặt hàng này.
Mặc dù năng suất chè năm nay vượt trội so với mọi năm, nhưng chị Phan Thị Hạnh ở thôn 2/9, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) cũng không thể thấy vui khi giá thu mua đã bị rớt xuống mức thảm hại so với cùng kỳ này của năm trước.
Đây không chỉ là nỗi niềm riêng của chị Hạnh, mà còn là của rất nhiều người dân trồng chè ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ của chè bị đình trệ và suy giảm mạnh, kéo theo đó giá thu mua chè búp tươi cũng bị giảm sâu. Điều này khiến người dân trồng chè gặp rất nhiều khó khăn.
Gia đình chị Hạnh đã gắn bó với cây chè gần 20 năm nay và hiện có 5 ha chè thương phẩm nằm trong thời kỳ thu hoạch, thế nhưng theo lời chị "Chưa có năm nào giá chè lại giảm xuống thê thảm như năm nay". Với mỗi sào chè, gia đình chị đã đầu tư khoảng 3 triệu đồng, nhưng bây giờ chỉ thu được 4 triệu đồng, trong khi tiền thuê phương tiện thu hái lại cao, 1 tấn mất 7.00.000 tiền công hái. Chưa kể, không chỉ giá thấp mà sản lượng thu mua cũng giảm đi, trong khi nếu thu hoạch không kịp thì chè sẽ quá lứa ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Do vậy, 5 sào chè của gia đình chị Hạnh đã không cho lãi mà còn bị thua lỗ nặng.
Đồng hành cùng người dân, ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông, cho biết: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có những người dân trồng chè. Chính quyền địa phương đã làm việc và kiến nghị với nhà máy chè để sớm tìm hướng tháo gỡ, thu mua bao tiêu sản phẩm cho người dân đảm bảo về giá cả. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các giải pháp chỉ có tính tạm thời, người dân, doanh nghiệp và chính quyền cần cùng đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này.”
Còn tại Tuyên Quang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, hệ lụy của dịch Covid-19 đã khiến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, gồm: Chè, bột giấy, gỗ rừng trồng qua chế biến, đường kính trắng đã bị giảm giá bán, tồn đọng. Lượng đường kính trắng tồn kho của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương khoảng 10.000 tấn; chè nguyên liệu qua sơ chế của 3 công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, Sông Lô, Tân Trào cũng tồn lại khoảng 1.530 tấn chưa tiêu thụ được.
Tháo gỡ khó khăn “kép”, kết nối lại các chuỗi ngành hàng, duy trì mục tiêu sản xuất hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã có phương án trên từng lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Huy Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đơn vị đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ đó tìm kiếm bạn hàng giúp các doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, có 47 nông sản có nhãn hiệu của tỉnh đã được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Hà Nội ký kết tiêu thụ trở lại.
Ông Nguyễn Huy Nam, Giám đốc Hợp tác xã nuôi cá đặc sản Hoàn Tùng, xã Thắng Quân (Yên Sơn, Tuyên Quang) phấn khởi cho biết, vừa qua, 5 khách sạn và cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội đã lấy hàng trở lại với lượng hàng từ 4 - 5 tạ/ngày tương đương với trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Lượng tiêu thụ hàng như hiện nay cho ông Nam thêm niềm tin tập trung đầu tư, đảm bảo nguồn hàng cá đặc sản phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường cuối năm.
Đối với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu, Sở đã báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với ngành Công thương, Hải quan tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu ngay khi thông quan hàng hóa. Trong thời gian chờ đợi đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất chuẩn bị sẵn nguồn hàng để “đón đầu” cơ hội để xuất khẩu, bởi theo nhận định khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thị trường sẽ rất cao, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông, lâm sản.
Dinh Vũ