Theo báo báo nghiên cứu thị trường của DKRA, phân khúc đất nền trong năm 2023 đón nhận 22 dự án với nguồn cung khoảng 1,850 nền, giảm 73% so với năm 2022, đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Lượng tiêu thụ đạt khoảng 751 nền, xấp xỉ 41% tổng nguồn cung mở bán mới, giảm 84% so với năm trước. Giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm sản phẩm có mức giá 12.9 - 14.9 triệu đồng/m2 và diện tích phổ biến từ 70 - 90 m2.
Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực, tập trung chủ yếu ở Bình Dương khi chiếm 47% nguồn cung toàn thị trường. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức giảm 10% - 13% so với năm 2022.
Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giảm 13% - 17% so với đầu năm 2023, tuy nhiên, mức giảm này diễn ra cục bộ ở nhóm khách hàng sử dụng vốn vay, cũng như tại một số dự án có quy mô lớn chưa hoàn thiện hạ tầng - pháp lý.
Công ty Chứng khoán Agriseco kỳ vọng, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn từ nửa cuối 2024 nhờ các yếu tố như: Ba Luật Bất động sản lớn được thông qua; mặt bằng lãi suất đã giảm và kỳ vọng duy trì thấp, dư địa giảm lãi suất cho vay; niềm tin và thanh khoản dần cải thiện, tập trung ở phân khúc căn hộ; sự phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ phục hồi thị trường Bất động sản.
Cụ thể, về nguồn vốn, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ vọng tiếp tục giảm về mức thấp và các chính sách ưu đãi cho vay của Ngân hàng Thương mại với người mua nhà có thể giúp nhu cầu cải thiện, tăng khả năng thanh khoản của thị trường. Bên cạnh đó, giảm lãi vay cũng kỳ vọng giảm áp lực tài chính, từ đó phục hồi hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư bất động sản.
Chính sách pháp lý kỳ vọng giảm thiểu khó khăn. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách tháo gỡ về pháp lý như Nghị định 08 về đàm phán, gia hạn trái phiếu đáo hạn, Nghị định 10 bổ sung quy định hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận cho bất động sản nghỉ dưỡng, condotel; đề án phát triển 1 triệu nhà ở xã hội...
Về thanh khoản, Agriseco kỳ vọng thanh khoản 2024 khởi sắc hơn ở phân khúc chung cư trung cấp và bình dân, nhà ở xã hội ở trung tâm và các tỉnh ven trung tâm do nguồn cung mới chưa cải thiện nhưng nhu cầu mua nhà ở thực gia tăng; các nhà đầu tư bắt đầu giao dịch trở lại khi lãi suất cho vay giảm.
Nguồn cung nhà ở xã hội dự kiến sẽ có 108 dự án, quy mô gần 48.000 căn hộ trong năm 2024, đây là con số tăng gần 4 lần so với 2023 tập trung ở Đồng Nai, Long An, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh nhờ Chính phủ liên tục triển khai chính sách hỗ trợ tăng cung nhà ở xã hội, vừa túi tiền. Chênh lệch cung – cầu dự kiến vẫn duy trì trong năm 2024 nhưng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, các dự án căn hộ có giá bán hợp lý, pháp lý đầy đủ vẫn sẽ thu hút cầu mua nhà.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi cuối năm 2023, đầu năm 2024 và chính thức có hiệu lực từ năm 2025, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và lâu dài của thị trường BĐS từ năm nay. Với nhiều quy định được hoàn thiện chặt chẽ, nâng cao tính minh bạch, 3 luật này thúc đẩy sàng lọc bớt các doanh nghiệp yếu kém, tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư bài bản và chấp hành đúng pháp luật.
Mặt khác, lãi suất tiết kiệm và cho vay đồng loạt giảm đến cuối năm năm 2023, đầu năm 2024, đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vay mua nhà và dịch chuyển dòng tiền tiết kiệm sang các kênh khác.
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, lượng giao dịch chung cư và đất thổ cư trên thị trường BĐS Hà Nội tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn ra sôi động tại hai khu vực trên, nhờ việc có tính ổn định cao, mặt bằng giá hấp dẫn, có nhiều lợi thế trong kinh doanh. Trong đó, các dự án của những chủ đầu tư lớn như Vinhomes chiếm tỷ trọng lớn. Những đại đô thị có nguồn cung thứ cấp lớn trên thị trường như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Times City... là những dự án có số lượng giao dịch chuyển nhượng lớn nhất.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, với dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng từ 5,5 - 6%, thị trường chung cư, đất thổ cư tại Hà Nội dự kiến ghi nhận nguồn cung tăng thêm 17.000 căn hộ mới, chủ yếu đến từ khu Tây và khu Đông thành phố.
Tiến Hoàng