Ngày 29/6, tại Không gian Văn hóa trà HTX Chè Hảo Đạt ở Thành phố Thái Nguyên, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình Văn hóa Trà Việt với chủ đề "Hướng dẫn làm Trà ướp sen." Sự kiện có sự góp mặt của đại diện các đơn vị, sở, ngành liên quan, cùng các chuyên gia, giảng viên, nghệ nhân trà và gần 200 đại biểu từ các HTX, làng nghề chè trên địa bàn tỉnh.
Trong chương trình, các chuyên gia và nghệ nhân đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật pha trà ngon, trao đổi về các loại trà cụ và kỹ năng thiết kế không gian cảnh quan bàn trà, phòng trà theo chuẩn mực. Các chủ đề như sự kết nối từ trà, cùng những ứng dụng của trà trong đời sống người Việt cũng được đề cập, giúp các nhà làm trà Thái Nguyên hiểu rõ hơn về quy trình chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chương trình còn bao gồm các hoạt động như: Hướng dẫn kỹ thuật và thực hành làm Trà sen sổi và Trà Sen ướp từ gạo sen; tìm hiểu về dụng cụ dùng cho trà sen; trải nghiệm vùng chè Tân Cương. Sự kiện đã thu hút đông đảo thực khách từ khắp mọi miền Tổ quốc, đến để thưởng thức trà sen vào đúng vụ, tạo nên một sợi dây kết nối với đất và người Thái Nguyên đầy nồng hậu.
Trà sen là một dòng trà đặc sản cao quý, với việc lựa chọn sen để làm trà đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe. Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến và kinh doanh trà của Thái Nguyên đã bắt đầu trồng những đầm sen từ giống sen Bách Diệp Hồ Tây, nổi tiếng với hương thơm thanh khiết không thể tìm thấy ở bất kỳ dòng sen nào khác.
Trà dùng để ướp sen cũng cần phải là loại trà đặc sản, có hương thơm và hậu vị ngọt sâu lắng. Theo nhiều nghệ nhân, ngoài trà Shan Tuyết cổ thụ từ vùng núi đá Hà Giang, trà móc câu Tân Cương của Thái Nguyên với hương cốm non dịu nhẹ là thích hợp nhất để làm trà sen. Sau khi lựa chọn nguyên liệu, những người thợ lành nghề ở các HTX sẽ bắt đầu quá trình ướp trà. Hiện có hai phương pháp ướp trà sen là ướp khô sấy lạnh và ướp xổi nguyên bông.
Với phương pháp ướp khô sấy lạnh, khâu tách gạo sen rất quan trọng. Gạo sen chất lượng nhất được lấy vào lúc 5 giờ sáng, khi những búp sen vừa chớm nở, giữ được nguyên vẹn nét tinh túy và hương thơm thanh khiết. Sau đó, trà sẽ trải qua các khâu ủ và sao sấy.
Phương pháp ướp xổi yêu cầu người làm trà nhẹ nhàng tách rời những cánh trà ra một cách cẩn thận, sau đó cho từ 10-20g trà tùy vào kích thước của mỗi bông sen. Việc cho trà vào sen đòi hỏi kỹ thuật cao, cần hết sức nhẹ nhàng để không làm gãy cánh trà. Đồng thời, bàn tay của người làm trà phải được rửa sạch, không lẫn bất kỳ mùi hương nào để trà giữ nguyên vị sau khi ướp sen.
Sau khi cho trà vào sen, người làm trà sẽ nhẹ nhàng lau khô những lá sen dùng để gói bên ngoài. Lá sen dùng để gói thường là lá bánh tẻ, cứng cáp nhưng không quá dày để đảm bảo hương vị của trà sen được chuẩn vị nhất trong quá trình đóng gói. Sau khi gói cẩn thận, người làm trà sen sẽ đặt các bông sen đã ướp trà bên trong đều đặn, để quá trình lấy không bị dập nát.
Trà sen có màu vàng óng, hương thơm thanh khiết và vị ngọt hậu, kết hợp giữa tinh túy của trà và sen, làm hài lòng bất kỳ thực khách nào yêu trà. Được coi là dòng sản phẩm tinh túy bậc nhất trong các dòng trà, nhiều HTX trà của tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư vào bao bì và mẫu mã bắt mắt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trà sen không chỉ là một sản phẩm trà đặc sản cao quý, mà còn là biểu tượng của sự kết hợp tinh tế giữa thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người. Những nỗ lực và tâm huyết của các nghệ nhân và HTX trà Thái Nguyên đã tạo ra những sản phẩm trà sen thượng hạng, mang hương vị độc đáo và giá trị văn hóa sâu sắc. Trà sen Thái Nguyên không chỉ thỏa mãn khẩu vị của những người yêu trà mà còn góp phần nâng cao giá trị và danh tiếng của trà Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hương thơm thanh khiết, vị ngọt hậu và màu vàng óng của trà sen chính là minh chứng rõ nét cho sự tinh túy và nghệ thuật chế biến trà đỉnh cao, xứng đáng trở thành niềm tự hào của vùng đất Thái Nguyên.