Theo đó, khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng, ngành rau quả cũng chứng minh sức sống bền bỉ đã tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều thị trường khác như: Mỹ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hà Lan, Australia... Nhờ vậy, đến hết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn đạt 3,365 tỉ USD, chỉ giảm 5,1% so với năm 2021.
Tuy nhiên, trong năm 2022 cũng có một nghịch lý đáng xem xét. Đó là xuất khẩu giảm ở mức 5,1% và nhập khẩu tăng cao với mức 35%. Điều này cho thấy Việt Nam đang ngày càng mở cửa thị trường rộng hơn, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng những loại trái cây chất lượng hơn, đòi hỏi khắt khe hơn, đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh quyết liệt hơn.
Năm 2023 là năm đầy tiềm năng cho rau quả Việt Nam với đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả Việt Nam trong quý I năm nay ước đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm. Bên cạnh đó, những nỗ lực đàm phán để mở rộng cánh cửa thị trường cho trái cây Việt Nam trong năm 2022, chẳng hạn Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho khoai lang Việt Nam, trái bưởi Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản mở cửa cho quả nhãn hay quả chanh xanh được xuất khẩu sang New Zealand.... là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm tới.
Dự báo trong 3 tháng tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ tăng 10% hoặc cao hơn. Như vậy, nửa đầu năm, ngành có thể chạm ngưỡng 2 tỉ USD và mục tiêu cho năm 2023 là 4 tỉ USD.
Tại hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt" Báo Người Lao động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức, ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) đã nêu ra những khiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành rau quả.
Cụ thể, Mở rộng thị trường: Đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được chấp nhận vào thị trường, xuất khẩu chính ngạch.
Tăng liên kết (vượt qua lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ hay tư duy giải cứu): Liên kết giữa người nông dân với người nông dân: Nếu mỗi người làm nhỏ lẻ thì sẽ cạnh tranh với nhau, người này giảm được thì người kia cũng giảm nên thành ra bị thiệt => Phải liên kết với nhau để tạo thành tập thể vững mạnh và có thương hiệu.
Liên kết giữa toàn chuỗi giá trị sản phẩm: Giữa người nông dân sản xuất - nhà thương mại mở rộng thị trường - nhà nước điều tiết chính sách. Mục đích để đồng bộ với nhu cầu về của người tiêu dùng về sản lượng, chủng loại và nhất là yêu cầu về chất lượng, mẫu mã để giảm thiếu các hiện tượng được mùa mất giá hay giải cứu.
Liên kết giữa tri thức và thực tiễn: Phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi sản xuất, đảm bảo đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến đào tạo tập huấn, nâng cao hiệu quả và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ: Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ; Trung tâm liên kết về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt tại An Giang, Đồng Tháp; Trung tâm liên kết về trái cây, rau màu ở Tiền Giang, Bến Tre.
Tăng cường chất lượng và giá trị của sản phẩm: Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật sản xuất để sản phẩm có được ưu thế về mùa vụ, mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm.
Kết hợp các sản phẩm nông nghiệp với giá trị gia tăng đi kèm như: du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, trải nghiệm nông nghiệp...
Gia tăng sản phẩm thông qua công nghệ chế biến: Ngoài các sản phẩm tươi, thô được đánh giá ngon, chất lượng cao thì phát triển chế biến sâu dạng khô, bột, nước cô đặc, đồ uống đóng lon, mỹ phẩm, tinh dầu...
Việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói. Mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu nếu có vấn đề xảy ra.
Nông nghiệp xanh và phối hợp với các yếu tố công nghệ vào quản lý cũng như thương mại: Sản xuất nông nghiệp dựa trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên để tận dụng các gói tài trợ xanh và bắt kịp xu thế tiêu dùng mới đang ngày càng thay đổi nhanh chóng. (Việt Nam chủ trì Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lượng thực, thực phẩm bền vững, mạng lưới một hành tinh từ ngày 24 đến 27/4/2023).
Sử dụng công nghệ để tối ưu các chi phí để tăng năng suất và giảm thiểu giá thành.
Tiến Hoàng