Nét đẹp văn hóa tâm linh của Hòa Bình không chỉ thể hiện qua những công trình tôn giáo mà còn qua đời sống tín ngưỡng của cộng đồng. Tại đây, người dân luôn gìn giữ nhiều truyền thống tốt đẹp như đi lễ chùa đầu năm, cúng tế tổ tiên, tham gia các lễ hội và thực hành các nghi thức tâm linh nhằm khám phá những giá trị văn hóa lâu đời, hòa mình vào không gian thanh tịnh giữa núi rừng Tây Bắc.
Chùa Phật Quang Hòa Bình – Điểm tựa tâm linh nơi non nước hữu tình
Được khởi công xây dựng vào ngày 11/5/2009 (tức ngày 17/4 năm Kỷ Sửu) nhân Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2.553, chùa Phật Quang Hòa Bình nổi bật với kiến chúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa truyền thống Phật giáo và cảnh sắc thiên nhiên cây xanh bảo phủ. Tọa lạc trên đỉnh đồi Ba Vành, thuộc tổ 21, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, chùa Phật Quang là một quần thể văn hóa tâm linh quan trọng của tỉnh với vị trí đắc địa có tầm nhìn bao quát dòng sông Đà thơ mộng và nhà máy thủy điện Hòa Bình nổi tiếng. Công trình bao gồm các khu vực chính như chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ, tháp, đền Mẫu, hội trường và văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hòa Bình, cùng các công trình phụ trợ khác, được coi là điểm tựa tâm linh non nước hữu tình, là biểu tượng gắn kết giữa con người với thiên nhiên, thu hút nhiều Phật tử và du khách đến thăm quan, chiêm bái.
Chùa Phật Quang Hòa Bình – Điểm tựa tâm linh nơi non nước hữu tình.
Chùa Thượng là công trình nổi bật nhất của chùa, được xây dựng theo kiểu chữ "Công". Tòa phạm vũ uy nghiêm, rộng lớn với các mái chồng diêm được trang trí bằng những đầu đao cong vút, hình rồng uốn lượn. Điện Phật trong chùa được bài trí rất tôn nghiêm, nơi thờ các tượng Phật quan trọng như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tòa Cửu Long, ban Quan Âm Chuẩn Đề và ban Địa Tạng. Sân chùa Thượng còn nổi bật với đài Bồ tát Quan Thế Âm lộ thiên và tháp chuông. Quả đại hồng chung tại chùa, cao gần 3m, đường kính gần 2m và nặng khoảng 5 tấn, là một trong những quả chuông lớn nhất khu vực Tây Bắc.
Không gian xung quanh chùa được bao bọc bởi cảnh quan thiên nhiên yên bình, mang lại cảm giác thanh thản và an lạc cho những người ghé thăm.
Khuôn viên chùa Phật Quang Hòa Bình được thiết kế hài hòa, bao phủ bởi những hàng cây xanh tươi mát và các tiểu cảnh được bố trí tinh tế, tạo nên một không gian gần gũi với thiên nhiên. Tại đây, hằng năm đều tổ chức nhiều lễ hội Phật giáo lớn, trong đó hai lễ hội nổi bật nhất là Lễ Phật Đản và Lễ Vu Lan Báo Hiếu, thu hút đông đảo Phật tử và du khách tham gia, góp phần đẩy mạnh văn hóa du lịch tâm linh của tỉnh, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống an sinh xã hội.
Đền Chúa Ngòi – Huyền tích linh thiêng xứ Mường
Đền Chúa Ngòi xưa toạ lạc trên một gò đất cao thuộc làng Ngòi, xã Quỳnh Lâm, châu Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình ( nay là phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), đền được khởi dựng bằng tranh tre, nứa, mái lợp gianh. Đến những năm đầu thế kỷ XX ngôi đền được xây dựng lại bằng gạch và mật mía vì kèo làm bằng bương tre mái lợp gianh với diện tích khoảng 80m2. Trải qua thời gian tồn tại cùng mưa nắng, sự tàn phá của chiến tranh, ngôi đền bị hư hỏng rồi sau đó bị phá huỷ hoàn toàn. Đến nay, bằng sự chung tay giúp sức của bà con nhân dân ngôi đền mới được dựng lại theo kết cấu kiến trúc hình chữ Nhất (-) gồm một gian, xây bằng gạch, đầu hồi hai bên bít đốc.
Di tích lịch sử Đền Chúa Ngòi được hình thành và tồn tại gắn với tín ngưỡng văn hóa dân gian thờ Bà chúa Ót (hay Chúa Út - Chúa Đệ tam Lâm Thao) và thờ Hưng Đạo Đại Vương tên thật là Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là một vị tướng với tài thao lược, trí dũng song toàn. Hàng năm, vào ngày mùng 10 Tháng giêng (âm lịch), sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tại Đền Chúa Ngòi được tổ chức theo nghi thức, nghi lễ xưa, tuy nhiên được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản hơn trước. Lễ vật dâng cúng gồm có: Thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu, trầu cau, hoa quả, bánh kẹo... Ngoài ra các ngày lễ khác trong năm được tổ chức gọn nhẹ với tính chất giữ lệ. Tuy vậy, trong ngày lễ chính, những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì phát huy, đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân cuốn hút mọi người tham gia. Thông qua những nghi thức của lễ hội diễn ra tại di tích nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa tốt đẹp của tổ tiên cha ông ta cho đến ngày nay.
Thiết kế dự thảo Đền Chúa Ngòi được trùng tu, xây dựng trong tương lai.
Ông Trần Trung Thuận – Thủ nhang Đền Chúa Ngòi cho biết: “Trải qua nhiều năm tháng, dưới tác động của thời gian và thiên nhiên, một số hạng mục trong đền đã xuống cấp, không còn được vững chắc như trước. Tôi luôn trăn trở, mong muốn có thể tôn tạo, mở rộng, gia cố các công trình trong đền để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân, thu hút được nhiều du khách thập phương đến chiêm bái, hành lễ nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch chung của tỉnh”.
Ngày 3/10/2023, Đền Chúa Ngòi được UBND tỉnh Hòa Bình cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Lê Hải - Ngọc Quỳnh