Trong báo cáo cập nhật mới đây đối với ACB, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, ngân hàng tiếp tục ghi nhận hoàn nhập hoàn nhập dự phòng lên tới 267 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ngân hàng trích lập 1.386 tỷ chi phí dự phòng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý II/2022 tăng mạnh 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,914 tỷ đồng.
Lợi suất đầu ra bình quân quý II/2022 tăng nhẹ 18bps so với quý trước, đạt 7,20%. Lãi suất bình quân đầu vào tăng khoảng 14bps so với quý trước một phần nhờ tỷ lệ CASA cao giúp giảm tác động của tăng lãi suất. Biên lãi thuần (NIM) tăng nhẹ 7bps so với quý trước, đạt 4,29%.
Hoạt động cho vay của ngân hàng vẫn duy trì được sự khả quan trong quý 2 với tín dụng tăng 9.3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay cá nhân và doanh nghiệp ước tính lần lượt tăng 10,7% và 7,5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng chậm hơn khi chỉ ghi nhận tăng 1,9%YTD với động lực chính từ phát hành giấy tờ có giá. Tỷ lệ LDR tăng lên mức 83,5% sát với trần quy định 85%.
Tỷ lệ nợ xấu quý II/2022 giảm nhẹ 6bps so với quý trước và tương đương cuối năm 2021, đạt khoảng 0,76% Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ 2 điểm % còn 185,1% - vẫn ở mức cao so với ngành.
KBSV đánh giá ACB là một trong những ứng cử viên sáng giá được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nâng room tín dụng nhờ (1) tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì mức cao trong những năm gần đây như cuối 2021 là 11,23% - cao hơn nhiều so với mức quy định 9% của NHNN; (2) ACB theo đuổi chiến lược cho vay thận trọng với tỷ lệ nợ xấu (NPL) luôn duy trì dưới 1% và dự phòng nợ xấu (LLCR) luôn cao hơn trung bình ngành; (3) ACB không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu ACB là 32.000 đồng/CP, cao hơn 28,9% so với giá tại ngày 05/08/2022, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này.