Tỉnh Tuyên Quang hiện có 3 doanh nghiệp lớn và hơn 10 doanh nghiệp nhỏ sản xuất, chế biến chè để xuất khẩu. Thị trường chính mà các đơn vị này bán là các nước Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và một số nước châu Âu… Qua rà soát, kiểm tra, số lượng chè tồn khá lớn. Riêng 3 công ty chè lớn gồm Công ty Chè Sông Lô, Công ty Chè Mỹ Lâm và Công ty Chè Tân Trào, lượng chè tồn đã xấp xỉ 1.400 tấn.
Công ty Chè Tân Trào hiện còn tồn kho lên tới 800 tấn chè khô, đây là sản lượng không hề nhỏ. Với công suất 50 - 70 tấn chè búp tươi/ngày, vào tháng cao điểm, đơn vị này sản xuất hơn 400 tấn chè khô, trong đó trên 60% dành cho xuất khẩu. Chè khô tồn kho khiến cho đơn vị sản xuất này đang bị thiếu kinh phí để sản xuất, thanh toán tiền mua nguyên liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, Công ty Chè Sông Lô còn tồn hơn 550 tấn chè khô. Ông Vũ Đức Tráng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, lượng chè này hầu hết đã được các bạn hàng từ Afganistan, Nga… ký hợp đồng thu mua từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát, giao thương giữa các nước bị hạn chế khiến đối tác tạm dừng hoặc giảm số lượng nhập khẩu chè. Trong 3 tháng đầu năm vừa qua, đơn vị này mới xuất bán được có 500 tấn chè. So với cùng kỳ năm 2019 thì số lượng giảm một nửa.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các ngân hàng như giãn giảm thuế, giảm lãi suất... Các đơn vị cũng tìm khách vượt qua khó khăn như tìm kiếm thị trường mới, các đơn hàng mới. Cùng với đó, để giảm những chi phí không cần thiết, các cơ sở cũng đang thực hiện cho các nhân công được nghỉ luân phiên và hưởng lương theo sản phầm.
Ông Lê Quang Chuyền - Giám đốc Công ty Chè Mỹ Lâm chia sẻ, để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, ngoài sản xuất sản phẩm chè đen, chè xanh nhằm phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền, công nghệ để sản xuất chè túi lọc, ưu tiên cho thị trường nội địa. Nhờ thế, hiện lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 30 tấn.
Công ty Chè Sông Lô đang tiếp tục vay vốn ngân hàng. Việc làm này sẽ giúp cơ sở có đủ kinh phí để thu mua nguyên liệu để phục vụ vụ sản xuất mới. Những đối tượng hàng tồn kho sẽ được xử lý theo hình thức phân lô, đóng gói nhằm bảo quan, đảm bảo chất lượng. Thêm đó, việc tiếp tục tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa vẫn diễn ra liên tục.
Ông Nguyễn Mạnh Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, chè là cây trồng thế mạnh của tỉnh, là loại nông sản nổi tiếng góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Ngành nông nghiệp cũng đã lường trước những khó khăn của ngành chè và có phương án cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và xúc tiến tìm đầu ra.
Theo đó, ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng các dự án đầu tư, sản xuất chè an toàn; trồng thay thế diện tích chè giống cũ, năng suất thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm chè. Đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các vùng nguyên liệu. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng diện tích áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp bền vững, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ vườn cho tới sản phẩm cuối cùng tại nhà máy.
Khi chủ động nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng và dịch bệnh được khống chế, thị trường thông, việc cung ứng sản phẩm từ các đơn vị sản xuất chắc chắn sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả cao.
Hoài An