Ngành chè năm 2020: Lao đao vì đại dịch - Khó chồng khó

Năm vừa qua, ngành chè Việt Nam chịu tác động kép từ sự bùng phát mạnh trên toàn cầu của dịch Covid-19 như giảm nhu cầu tiêu thụ chè ở nhiều quốc gia, các nhà xuất khẩu đặt giá thầu thấp trong bối cảnh đơn hàng giảm từ các nhà nhập khẩu ở EU.

Kéo theo đó, dịch Covid-19 đã khiến một số cơ sở chế biến đã phải đóng cửa, nhà xưởng, thiết bị để hư hỏng, chủ đầu tư bị nợ nần không trả được, người lao động bị mất việc làm… trong đó có cả những nhà máy khá hiện đại. Thị trường chè tươi ngày càng hỗn loạn. Người nông dân chỉ biết sản xuất theo phong trào, thậm chí bị tư thương lợi dụng làm chè bẩn để xuất khẩu tiểu ngạch, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu chè Việt Nam trên thế giới. Nhưng nguy hại hơn là các doanh nghiệp chỉ tập trung vào cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ ngành; khó có thể có doanh nghiệp nào phát triển chè bền vững; ngành chè không thể tập trung nguồn lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và các tiến bộ về khoa học - công nghệ không thể áp dụng được vào thực tiễn, nhất là cho nông dân trồng chè.

Ngành chè năm 2020: Lao đao vì đại dịch - Khó chồng khó - Ảnh 1

Về môi trường, tình trạng thiếu tổ chức hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học đã gây ra ô nhiễm sản phẩm và môi trường. Các cơ sở chế biến được xây dựng tự do không theo một quy hoạch tổng thể, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn cho cả dân cư và các ngành nghề khác.

Cùng thời điểm đại dịch, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết đã mang lại cơ hội cho ngành nông nghiệp nói chung và cây chè nói riêng. Bởi từ đây, thuế nhập khẩu chè vào các nước EU về 0%. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trồng chè trên cả nước đã chủ động nắm bắt cơ hội để vào được những thị trường khó tính. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức.

Mở rộng vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại là những phần việc Hợp tác xã chè Vị Quê, TP. Thái Nguyên đang tích cực triển khai với mong muốn các sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường lớn như EU. Bởi những năm qua, sản phẩm chè của đơn vị chủ yếu được đưa sang những thị trường truyền thống với giá trị xuất khẩu rất thấp.

Bà Đào Thanh Thảo - Giám đốc Hợp tác xã chè Vị Quê chia sẻ: Tôi mong muốn sản phẩm đã làm được tốt, giá trị sản phẩm cao để đưa ra quốc tế. Đối với Hợp tác xã, dù là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified tại Việt Nam cho sản phẩm trà, nhưng hiện HTX vẫn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Làm thế nào đề xây dựng vùng nguyên liệu tập trung sản xuất chè hữu cơ với chất lượng ổn định, hướng tới xuất khẩu bền vững là điều mà các thành viên hợp tác xã trăn trở.

Theo số liệu thống kê, những năm qua, tổng giá trị xuất khẩu chính ngạch sản phẩm chè của tỉnh đạt thấp và có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2017, tỉnh xuất khẩu 2,3 nghìn tấn chè với tổng giá trị 4,3 triệu USD; năm 2018 giảm xuống còn 1,9 nghìn tấn; đến năm 2019 tiếp tục giảm còn 1,5 nghìn tấn với giá trị 2,5 triệu USD. Có thể nói, giá trị xuất khẩu này chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Các doanh nghiệp có vùng chè riêng, nguyên liệu riêng rất là ít, thậm chí không còn, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chủ động đảm bảo chất lượng chè cho xuất khẩu theo yêu cầu của bạn hàng.”

Nhằm đẩy mạnh nâng cao giá trị cho các sản phẩm chè, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch phát triển ngành chè theo hướng sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các dự án tập trung vào việc giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm về thâm canh chè, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa khoa học kỹ thuật để sản xuất ra chè chất lượng cao như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An… Cùng với đó, thí điểm xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tức là, sản phẩm đã bảo đảm đủ tiêu chuẩn.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị: Những năm tới đây, để giữ ổn định diện tích cây chè, nhưng phải nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà. Do đó, các địa phương cần đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Nhằm nâng cao chất lượng chè, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm chè, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phầm truyền thống.

Dinh Vũ