Xuất khẩu chè năm 2021: Gặp nhiều thách thức, nỗ lực giữ đà tăng trưởng
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 12/2021 đạt 11,8 nghìn tấn, trị giá 20,1 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với tháng 12/2020. Tính chung năm 2021, xuất khẩu chè đạt 126,8 nghìn tấn, trị giá 213,9 triệu USD, giảm 6,0% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2021 đạt 1.694,6 USD/tấn, tăng 7,2% so với tháng 12/2020. Năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.686,8 USD/tấn, tăng 4,6% so với năm 2020.
Hoạt động xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn và giảm cả về lượng lẫn giá trị trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào, cước phí vận chuyển tăng cao, sản xuất chè bị gián đoạn, khiến các doanh nghiệp ngành chè gặp nhiều khó khăn.
Năm 2021, mặc dù xuất khẩu chè không được như kỳ vọng, nhưng vẫn đạt được kết quả nhất định. Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp và các chủ trương, chính sách kịp thời từ phía chính phủ, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết để giúp ngành chè phục hồi sản xuất và đẩy nhanh xuất khẩu chè trong những tháng cuối năm 2021, sau khi chịu tác động nặng nề bởi làn sóng dịch lần thứ 4.
Năm 2022, hoạt động xuất khẩu chè dự kiến vẫn sẽ chịu ảnh từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp thích ứng dần với dịch bệnh để có những kế hoạch ứng phó là yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu chè trong thời gian tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu chè cần tập trung tận dụng các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP, RCEP… để đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường; đồng thời nâng cao chất lượng mặt hàng chè theo hướng đáp ứng các quy định về SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Pa-ki-xtan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong năm 2021, lượng chè xuất khẩu sang thị trường này chiếm 34,4% tổng lượng chè xuất khẩu. Lượng và trị giá xuất khẩu chè sang thị trường Pa-ki-xtan đều tăng trong năm 2021.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Đài Loan đạt 18,6 nghìn tấn, trị giá 28,7 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với năm 2020; tới thị trường Nga đạt 12,1 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 8,8% về trị giá… Đáng chú ý, chè xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, I-rắc tăng mạnh cả về lượng và trị giá trong năm 2020.
Thị phần chè xuất khẩu tới Hà Lan giảm
Theo số liệu từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu chè của EU trong 10 tháng năm 2021 đạt 41,2 nghìn tấn, trị giá 112,9 triệu Eur (tương đương 127,6 triệu USD), tăng 1,5% về lượng nhưng giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân trong 10 tháng năm 2021 đạt 2.742,7 USD/tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Bỉ, Ấn Độ, Xri Lan-ca và Đức là 4 thị trường cung cấp chè lớn nhất cho Hà Lan trong 10 tháng năm 2021. Tuy nhiên, Hà Lan chỉ tăng nhập khẩu chè từ thị trường Ấn Độ và Đức. Trong đó, nhập khẩu chè từ Ấn Độ đạt 6,5 nghìn tấn, trị giá 15,5 triệu Eur (tương đương 17,6 triệu USD), tăng 17,9% về
lượng và tăng 20,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu chè từ Đức đạt 4,3 nghìn tấn, trị
giá 19 triệu Eur (tương đương 21,5 triệu USD), tăng 5,3% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam chỉ cung cấp một lượng chè nhỏ tới thị trường Hà Lan trong 10 tháng năm 2021, chiếm 0,2% tổng lượng chè nhập khẩu của Hà Lan. Lượng và trị giá chè nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh. Tiềm năng xuất khẩu chè sang thị trường Hà Lan rất lớn, còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác trong thời gian tới. Dân số của Hà Lan chỉ khoảng 17,4 triệu người, nhưng lại là quốc gia tiêu thụ chè lớn thứ 5 của châu Âu. Chè là một trong những thức uống được tiêu thụ phổ biến nhất ở Hà Lan, với khoảng 90% dân số uống chè.
Bên cạnh đó, Hà Lan là một trung tâm thương mại quan trọng ở châu Âu, tái xuất nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó có mặt hàng chè. Tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA sẽ giúp thị phần chè của Việt Nam mở rộng hơn nữa tại thị trường Hà Lan, đồng thời chè của Việt Nam thông qua thị trường này để vào các thị trường châu Âu khác bởi đây là điểm trung chuyển hàng hóa chính của EU.
Trong 10 tháng năm 2021, nhập khẩu chè đen của Hà Lan đạt 31,3 nghìn tấn, trị giá 76,3 triệu Eur (tương đương 86,3 triệu USD), tăng 6,7% về lượng, nhưng giảm 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu chè đen từ thị trường Ấn Độ trong 10 tháng năm 2021, đạt 5,6 nghìn tấn, trị giá 12,8 triệu Eur (tương đương 14,4 triệu USD), tăng 19,2% về lượng và tăng 19,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, nhập khẩu chè từ Kê-ni-a vào Hà Lan tăng rất mạnh trong 10 tháng năm 2021, đạt 3,4 nghìn tấn, trị giá 2,6 triệu Eur (tương đương 2,9 triệu USD), tăng 67,2% về lượng và tăng 59,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam chỉ cung cấp một lượng nhỏ chè đen tới thị trường Hà Lan trong 10 tháng năm 2021, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam giảm tương ứng 48,8% và 50,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhập khẩu chè xanh của Hà Lan trong 10 tháng năm 2021 đạt 8,5 nghìn tấn, trị giá 34,4 triệu Eur (tương đương 38,9 triệu USD), giảm 5,3% về lượng và giảm 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường cung cấp chè xanh lớn nhất cho Hà Lan trong 10 tháng năm 2021, đạt 2,7 nghìn tấn, trị giá 5,3 triệu Eur (tương đương 6 triệu USD), giảm 16,5% về lượng và giảm 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu chè xanh từ thị trường Bỉ, Ấn Độ, Ba Lan trong 10 tháng năm 2021.
Hồng Anh