Ngành chè Phú Thọ nỗ lực phát triển, vươn tầm thế giới

Hơn 6 thập niên trôi qua, người dân Phú Thọ vẫn phấn khởi và tự hào khi nhớ lại ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy chè đầu tiên ở Phú Thọ. Những lời căn dặn ân cần của Bác luôn là động lực, là “kim chỉ nam” dẫn đường, soi lối để các thế hệ tiếp nối đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần cần cù lao động, sáng tạo, xây dựng vùng đất Phú Thọ trù phú, giàu có, phát triển ngành chè vươn tầm thế giới.

Chuyện Bác Hồ về thăm Nhà máy Chè

Bác Hồ về thăm Nhà máy chè Phú Thọ ở xã Đào Giã (nay là thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba)  
Bác Hồ về thăm Nhà máy chè Phú Thọ ở xã Đào Giã (nay là thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba)  

Ngày 20/7/1958, giữa lúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đang ra sức thực hiện kế hoạch 3 năm "cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội (1958 - 1960)", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm tỉnh. Người họp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sau đó dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ".

Nói chuyện với 2.000 cán bộ từ tỉnh đến xã, Bác đã ân cần hỏi thăm về đời sống, công việc làm ăn và sức khỏe của cán bộ và nhân dân trong tỉnh; khen ngợi một số thành tích sản xuất nông nghiệp và chỉ ra những mặt yếu kém của cán bộ và đồng bào trong sản xuất, tổ chức đời sống, đồng thời giới thiệu một số kinh nghiệm sản xuất và nêu lên những việc cần phải làm, nhắc nhở cán bộ, đồng bào trong tỉnh quyết tâm làm cho vụ mùa năm 1958 đạt thắng lợi.

Nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, Bác nhấn mạnh: “Kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, ra sức thi đua sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Muốn được như thế phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn bộ cán bộ và toàn thể nhân dân, phải đánh tan tư tưởng tiêu cực, bi quan, ngại khó, cán bộ từ tỉnh đến xã phải đi sát với quần chúng, phải nắm lấy một số nơi, tham gia lao động với quần chúng, học tập kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng một cách thiết thực và toàn diện; các cấp uỷ đảng, chính quyền cùng nhân dân định kế hoạch cụ thể; phải phát triển và củng cố tổ đổi công và làm cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thật vững chắc”.

Sau khi dự Hội nghị phát động thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh, Bác đi thăm Nhà máy chè Phú Thọ ở xã Đào Giã (nay là thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba). Đây là nhà máy được xây dựng đầu tiên ở tỉnh ta do Liên Xô giúp đỡ. Sau hơn một năm cắt băng khánh thành và đi vào hoạt động (12/5/1957), nhà máy đã đạt được nhiều thành tích cao trong sản xuất. Bác lần lượt đi thăm nhà nhận chè, thử nếm (tức phòng KCS) và kho thành phẩm. Khi đến bộ phận sàng chè, thấy chị em công nhân bê từng mẻ chè đổ vào chỗ chứa trên cao, công việc khó nhọc, tốn nhiều sức lực mà hiệu suất lao động lại thấp, Bác quay lại căn dặn các đồng chí trong Ban Giám đốc nhà máy cần chú ý đến cải tiến kỹ thuật máy móc của nước bạn cho hợp với khổ người Việt Nam.

Sau đó, Người ăn cơm và nghỉ trưa. Vào lúc 13 giờ 30 phút chiều cùng ngày Bác đã nói chuyện với cán bộ, anh chị em công nhân của nhà máy tại phòng “héo chè”. Sau khi nêu một số ưu điểm mà nhà máy bước đầu đã đạt được, Bác khen và căn dặn các cán bộ, công nhân viên đang vây quanh Người: “Tiến bộ mới là bước đầu, phải cố gắng hơn nữa trong sản xuất, phải học tập văn hoá, chính trị, học tập lẫn nhau. Mọi người hãy tăng gia sản xuất để tiến lên chủ nghĩa xã hội cho nhanh và thống nhất nước nhà cho nhanh”. Người rất chú ý đến sự tiến bộ của chị em phụ nữ, nhắc nhở chị em phải cố gắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những khuyết điểm chính mà nhà máy cần phải khắc phục là vấn đề đoàn kết và kỷ luật lao động.

Người nhắc nhở phải thật thà, đoàn kết, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần kỷ luật trong lao động; anh chị em công nhân cần phải hiểu sâu sắc về trách nhiệm của mình trong giai đoạn cách mạng hiện tại, từ đó mà xác định được thái độ lao động đúng, phong cách sinh hoạt trong sạch và lành mạnh. Bác gửi lại Ban Giám đốc nhà máy chè 6 huy hiệu của Người để tặng thưởng cho 6 chiến sĩ thi đua của nhà máy. Sau buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Giám đốc nhà máy đi thăm khu nhà ở tập thể của công nhân. Người vào thăm một số gia đình, xem xét điều kiện ăn, ở sinh hoạt của công nhân.

Hơn 60 năm trôi qua, nhưng lần gặp mặt ấy luôn là những hồi ức đẹp với mỗi người dân Phú Thọ và những người làm chè nơi đây. Những lời căn dặn ân cần của Bác luôn là động lực, là “kim chỉ nam” dẫn đường để người dân Phú Thọ chung tay xây dựng, vùng đất Phú Thọ ngày càng trù phú, phát triển ngành chè vươn ra thế giới.

Chè Phú Thọ vươn ra thế giới

Chè Phú Thọ ngày càng khẳng định thương hiệu và chất lượng  
Chè Phú Thọ ngày càng khẳng định thương hiệu và chất lượng  

Được coi là “cái nôi” của ngành chè Việt Nam, tỉnh Phú Thọ luôn xác định phát triển cây chè là một trong những chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Đến nay, cây chè đã được trồng rộng khắp các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… và trở thành cây trồng góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Nhằm phát huy lợi thế, hiện nay tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ”, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường.

Phú Thọ có 137.000 ha trồng chè, sản lượng 180.000 tấn, lớn thứ 4 cả nước. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Cẩm Khê, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Phù Ninh... Năm 2022, tỉnh đạt 60.000 tấn chè thành phẩm, trong đó 70% là chè đen, 30% chè xanh và các loại chè khác. Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 nhà máy chế biến chè, trong đó 21 doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, ngoài ra còn nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhãn hiệu tập thể: Chè xanh Phú Hộ (huyện Phù Ninh), Chè xanh Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa), chè Long Cốc (huyện Tân Sơn).Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan… Tuy nhiên, năm 2022, do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị, xuất khẩu chè của Phú Thọ cũng gặp khó khăn.

Hơn 60 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm, sản phẩm chè Phú Thọ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đã xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Nga, Anh, Pakixtan,… Đặc biệt chè Phú Thọ còn được tiêu thụ ở các thị trường khó tính của Châu Âu, Mỹ,… Ngoài các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, trên địa bàn tỉnh còn có một số doanh nghiệp nhỏ xuất khẩu trà đang dần có chỗ đứng ở thị trường trong nước và các nước Đông Nam Á như Công ty TNHH phát triển trà UT với doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè đã không ngừng cập nhật ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng đến chăm sóc chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, đã đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu ngày càng có uy tín đưa hương vị chè Phú Thọ đến với thế giới.

Xuân Thủy – Hương Trà