Ngành chè thúc đẩy phát triển bền vững, giữ vững thị trường nội địa

Năm 2021, ngành Chè Việt Nam chịu rất nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid và các rào cản kỹ thuật. Nhằm chia sẻ khó khăn trong thời kỳ Covid, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp chè thông qua các sáng kiến kinh doanh, cơ chế chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chè Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH cùng phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến tổng kết ngành chè 2021 và kế hoạch hành động 2022.

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện khoa học nông lâm miền núi phía Bắc,… Về phía các đơn vị khối tư có các công ty sản xuất chè, hợp tác xã đại diện cho nông dân trồng chè, tập đoàn mua chè quốc tế tại Việt Nam.

Ngành chè thúc đẩy phát triển bền vững, giữ vững thị trường nội địa  - Ảnh 1

Chia sẻ tại Hội nghị, Hiệp hội chè Việt Nam nhận định, năm 2021, ngành chè tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu ngừng lại. Đáng chú ý, cước vận tải liên tục tăng và giữ mức cao gấp 3,4 lần gây khó khăn cho nhiều ngành hàng nông sản, trong đó có ngành chè. Bên cạnh đó, giá búp tươi thấp nhưng nguyên liệu khác cao. Một số thị trường xuất khẩu bị gián đoạn, nhiều chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy nên tổ chức sản xuất của một số công ty gặp khó khăn. Hàng tồn kho khó xuất khẩu. Diện tích chè bị thu hẹp, nhiều vùng trồng ở Lâm Đồng, Phú Thọ chuyển đổi sang cây trồng khác do hiệu quả sản xuất kém. Doanh nghiệp không tái đầu tư mở rộng sản xuất.

Dẫu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chè cũng đã thích nghi với dịch bệnh và tự chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình mới. Doanh nghiệp trong nước chuyển hướng sang phát triển sản phẩm nội tiêu. Bên cạnh đó, sản phẩm chè có lợi cho sức khỏe được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn. Các sản phẩm chè nội tiêu ngày càng đa dạng phong phú, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó đẩy mức tiêu thụ trong nước nhích lên.

Đặc biệt, khi ngành chè gặp khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ các Bộ ngành, địa phương đã quan tâm và có các giải pháp phòng chống dịch, các gói cứu trợ hiệu quả. Thường trực Hiệp hội Chè cũng luôn đồng hành và ứng phó kịp thời cùng doanh nghiệp, cùng với các Hiệp hội ngành khác có các kiến nghị với Chính phủ và các địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, sản xuất chè 11 tháng năm 2021 đạt 175.000 tấn, ước cả năm đạt 180.000 tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu chính ngạch 11 tháng ở mức 115.000 tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ 2020, ước cả năm: 130.000 tấn. Giá trị xuất khẩu 11 tháng đạt 194 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ 2020. Cơ cấu sản phẩm: 51% chè đen, 48% chè xanh và 1% chè khác. Từ khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường trong nước, ước cả năm tiêu thụ nội địa duy trì ở mức 45.000 tấn.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam không có nhiều thay đổi, dẫn đầu vẫn là Pakistan với khoảng 38.300 tấn. Tiếp đến là thị trường Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Iraq, Indonesia, Mỹ, Ấn Độ và Malaysia. Đặc biệt, nổi lên thị trường Iraq với 6000 tấn, đây là thị trường có ý nghĩa quan trọng mà  ngành chè đang cố gắng khôi phục lại.

Cùng với các ngành hàng khác, ngành chè cũng đang đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) nhằm hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Điều này giúp ngành chè Việt Nam được nâng cao cả về chất lượng và vị thế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, Hiệp hội Chè đã phối hợp cùng IDH và Cục Bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký MSVT, hướng dẫn sản xuất chè an toàn. Tổ chức các buổi tham vấn chính sách, quy trình triển khai MSVT cho các doanh nghiệp. Trong năm 2021, triển khai cho các tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Giang,Thái Nguyên và Yên Bái. Phối hợp cùng Cục BVTV lên kế hoạch ký kết biên bản ghi nhớ triển khai cấp MSVT cho các doanh nghiệp chè. Phối hợp cùng các Cục, Viện, tham gia các hoạt động xây dựng sản xuất chè bền vững. Ngoài ra còn phối hợp cùng Viện Nomafsi xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Phối hợp với IDH tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cho Ngành từ các đối tác tiềm năng. Kiến nghị các Bộ, Ban, Ngành địa phương các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo sản xuất trong thời kỳ Covid-19. Phối hợp cùng các chi cục duy trì và nhân rộng hoạt động quản lý sâu bệnh và thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm.

Trong năm 2022, Hiệp hội Chè Việt Nam định hướng phát triển ngành như sau: Duy trì, ổn định sản xuất và thị trường, giữ ổn định diện tích cây chè: 130.000 ha. Sản lượng: 180 – 185.000 tấn. Xuất khẩu: 130 – 145.000 tấn. Duy trì và mở rộng xuất khẩu các thị trường truyền thống như Trung Đông, Mỹ. Tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập và phát triển vào các thị trường tiềm năng. Tiếp tục phối hợp các Hiệp hội ngành hàng phản biện chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành. Phối hợp với các Cục, Vụ, Viện đề xuất hỗ trợ các sáng kiến cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm chè nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè hướng tới chất lượng cao. Thử nghiệm các phương án thay đổi sản xuất hay đa dạng hóa sản phẩm liên quan đến chè.

Ngành chè thúc đẩy phát triển bền vững, giữ vững thị trường nội địa  - Ảnh 2

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa trở thành trụ đỡ quan trọng. Với thị trường trong nước gần 100 triệu dân, tiêu thụ nội tiêu mới ở mức 45.000 tấn, tính ra trung bình mỗi người dân Việt Nam mới tiêu thụ gần được khoảng 5 lạng chè/năm, đây là con số còn khá khiêm tốn. Do đó, song song với các mục tiêu xuất khẩu, các doanh nghiệp không thể bỏ qua thị trường trong nước. Nhất là khi người Việt có thói quen dùng hàng Việt, uy tín hàng hóa trong nước được nâng cao, việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế sẽ dần giảm bớt. Vì thế, Hiệp hội Chè Việt Nam cũng sẽ chú trọng tiếp tục triển khai các hoạt động giới thiệu đào tạo, tạo trào lưu văn hóa uống trà với đối tượng là thanh niên và quảng bá phát triển thị trường nội tiêu.

Bên cạnh đó, phát triển ngành chè bền vững quan trọng nhất vẫn là truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm 2021, riêng ngành chè không có thông báo nào liên quan đến vi phạm an toàn thực phẩm, đây được xem là một tín hiệu tích cực trong vấn đề tổ chức sản xuất của ngành chè nói chung và các doanh nghiệp tham gia Hiệp hội Chè nói riêng. Trong năm sắp tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Chè và tổ chức IDH, trong đó có các hoạt động tổ đội chuyên trách vấn đề bảo vệ thực vật và cấp mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp đăng ký. Ngoài ra còn có quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, phối hợp cùng với nhóm cây cà phê và hồ tiêu, qua đó giúp bảo đảm chè xuất khẩu, đồng thời đảm bảo sức khỏe của đất, môi trường và con người. Đây là cách tiếp cận khá mới mà các quốc gia phát triển đã xây dựng. Bên cạnh đó, còn có chương trình phân bón hữu cơ mà Cục đã đẩy mạnh chương trình này và ký kết với 14 doanh nghiệp để phát triển chương trình phân bón hữu cơ cho các doanh nghiệp khi giá vật tư phân bón tăng cao.   

Về phía Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp, cây ăn quả cho biết, năm 2021, diện tích chè cả nước đạt khoảng 123.4 nghìn ha, giảm 200 ha. Hiện đến năm 2021 có 28 giống chè (LDP1, LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, ; PH8, PH10, TB14 Hương Bắc Sơn, LCT1, PH276, CNS.831…).Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc tự công bố thêm 6 giống mới. Diện tích chè giống mới khoảng 65%. Chè giống mới Nghệ An đạt 89%, Thái Nguyên 75,9%, Phú Thọ 73,1%, Tuyên Quang 63%, Yên Bái 58,6%, Sơn La 53,2%. Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất chè an toàn được ban hành như QĐ 01/2012/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ áp dụng GAP; Quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn ở các địa phương như: 1. Tỉnh Lâm Đồng; 2. Nghệ An; 3. Thái Nguyên; 4. Phú Thọ; 5. Hà Giang; 6. Yên Bái; 7. Lào Cai ; 8. Sơn La. T; Tiêu chuẩn về VietGAP trồng trọt: TCVN 11892-1:2017 và TCVN về chè hữu cơ: TCVN 11041-1:2017. Một số địa phương đã chủ động ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển chè an toàn Thái Nguyên; Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang. Để phát triển chè một cách bền vững, Cục Trồng trọt cũng xác định một số định hướng như: Ổn định diện tích chè cả nước khoảng 130 ngàn ha năm 2030; Tập trung vào trồng thay thế: tỷ lệ giống chè mới 70%, trong đó chất lượng cao 20 - 25% diện tích. Xây dựng vùng chè an toàn, vùng chè đặc sản, gia tăng giá trị xuất khẩu. Đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị hiện đại để thay đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng chè; Tăng tỷ lệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường có tiềm năng nâng cao giá trị gia tăng. Cơ cấu sản phẩm chè đen, chè xanh và chè khác phù hợp thị trường.

Tại hội thảo, các đơn vị cũng tham gia tham luận tập trung đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về khâu vận chuyển, khâu sản xuất, khâu chế biến, phát triển thị trường... với ngành chè trước tình hình dịch vẫn diễn biến khó khăn hiện nay.

Bảo Anh