Ngành chè Tuyên Quang xoay xở trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19

Từ đầu năm đến nay, ngành chè của tỉnh Tuyên Quang gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, giá bán thành phẩm ở mức thấp trong khi tốc độ tiêu thụ chậm đã khiến nhiều Hợp tác xã (HTX) và người nông dân khó khăn trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm. Để ứng phó với những tác động của dịch bệnh và thị trường, nhiều người dân, cơ sở sản xuất đã thực hiện linh hoạt một số giải pháp để chè không bị tồn đọng và giữ được chất lượng sản phẩm, người làm chè vẫn không nguôi hy vọng, “cơn bão” này sẽ sớm đi qua.

Người làm chè không nguôi hy vọng, “cơn bão” Covid-19 sẽ sớm đi qua.
Người làm chè không nguôi hy vọng, “cơn bão” Covid-19 sẽ sớm đi qua.

Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là ổ dịch tại huyện Lâm Bình tiếp tục khiến người trồng chè, các cơ sở sản xuất và kinh doanh chè phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Bởi lẽ hoạt động tiêu thụ sản phẩm chè chủ yếu phụ thuộc vào các thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.

So với những đợt dịch trước đây, đợt dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng nặng nề nhất đến hoạt động sản xuất và kinh doanh chè của Hợp tác xã, doanh nghiệp bởi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, nhiều khách hàng khá e dè khi đặt hàng; các mối hàng quen thì giảm số lượng đơn hàng xuống chỉ còn một nửa vì tiêu thụ chậm; hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh cũng chững lại bởi các địa phương đã siết chặt việc quản lý người ra, vào địa phương. Không chỉ vậy, giá bán ra cũng có xu hướng giảm.

Tại huyện Lâm Bình, nếu như trước đây, chè Khau Mút được bà con địa phương thu hái và chế biến bằng hình thức thủ công, năng suất thấp thì ngày nay đã có các lò chế biến chè được đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại hơn, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giá bán ra thị trường cao hơn. Để nâng cao giá trị vùng chè Thổ Bình, huyện Lâm Bình đã có định hướng sản xuất chế biến chè gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại vùng chè cổ thụ này, đồng thời rà soát, sắp xếp lại hợp tác xã và các cơ sở chế biến để quản lý, vận động bà con tiếp tục chăm sóc chè theo hướng an toàn, hữu cơ, chế biến chè bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, từ ngày 12/11 trên địa bàn xuất hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và hiện nay đang có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến “kịch bản” định hướng phát triển của huyện.

Người dân xã Thổ Bình thu hái chè Shan trên núi Kéo Tấu, xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang)
Người dân xã Thổ Bình thu hái chè Shan trên núi Kéo Tấu, xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang).

Cây chè vốn là cây thế mạnh của xã Tứ Quận (Yên Sơn, Tuyên Quang). Phó Chủ tịch UBND xã Hán Quang Thái chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cuộc sống của người làm chè thêm khó. Nếu như 3 đợt dịch trước, 3 hợp tác xã sản xuất chè trên địa bàn là Hợp tác xã chè Quang Minh, Hợp tác xã Quang Khánh, Công ty TNHH MTV Bảo Phát vẫn hoạt động cầm chừng nhờ các đơn hàng chế biến thô cho các công ty xuất khẩu chè trong và ngoài tỉnh, thì đợt dịch lần này khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này “đóng băng” hẳn.

Sau nhiều thăng trầm, diện tích chè ở Tứ Quận, huyện Yên Sơn đã giảm từ hơn 500 ha xuống chỉ còn hơn 100 ha, rải rác ở các thôn trên địa bàn xã. Tứ Quận đang cố gắng duy trì diện tích này, nhưng với những tác động do dịch bệnh và thị trường, xã cũng không biết có thể duy trì diện tích này đến thời điểm nào, khi một số hộ gia đình mặc dù chưa phá bỏ diện tích cây chè nhưng cũng đã xen canh cây ăn quả, cây lâm nghiệp để “nghe ngóng”. Phó Chủ tịch UBND xã Hán Quang Thái cho biết, xã cũng đang đề xuất với huyện có cơ chế hỗ trợ những người trồng chè trên địa bàn, để giảm bớt khó khăn cho bà con.

Thời điểm hiện tại, người trồng chè gặp khó, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cũng đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần chè Sông Lô, Tân Trào, Mỹ Lâm hiện nay vẫn đang còn tồn hàng nghìn tấn chè thành phẩm chưa tiêu thụ được; thị trường nội địa sức tiêu thụ cũng chậm.

Khó khăn là vậy, nhưng các doanh nghiệp vẫn thu mua chè tươi cho người trồng, cho người dân ứng tiền trước để mua vật tư, phân bón tái chăm sóc cây chè cho vụ thu hoạch sau.

Mô hình sản xuất chè năng suất - chất lượng bảo đảm
Mô hình sản xuất chè năng suất - chất lượng bảo đảm "An toàn vệ sinh thực phẩm" của Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm.

Vào khoảng thời gian này những năm trước, chè khô trong xưởng sản xuất của Hợp tác xã chè Tân Thái 168, xã Tân Thành (Hàm Yên) luôn có khoảng 150 - 160 tấn, để sẵn sàng đáp ứng sức mua của thị trường dịp cuối năm. Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã thay đổi hoàn toàn.

Ông Bàn Văn Dương, Giám đốc Hợp tác xã chè Tân Thái 168 cho biết: Hiện, Hợp tác xã chỉ cho duy trì 1 xưởng sản xuất, xưởng còn lại “đắp chiếu”. Chè búp tươi cũng thu mua cầm chừng mỗi tháng khoảng 20 tấn thay vì 40 - 50 tấn như trước đây. Thị trường của Hợp tác xã chè Tân Thái 168 chủ yếu là các tỉnh miền Trung. Trước đây, sản phẩm chè khô sẽ được tập kết tại một cơ sở ở Quảng Bình, sau đó chuyển đi các tỉnh. Nhưng giờ dịch bệnh phức tạp, hợp tác xã cũng chỉ vận chuyển được sản phẩm vào đến Quảng Bình. Lượng chè khô hiện chỉ duy trì 2 - 3 tấn/tháng, thay vì chục tấn như trước dịch.

Hợp tác xã liên kết với 30 hộ trồng chè và bao tiêu chè búp tươi cho khoảng 50 hộ gia đình quanh vùng. Nhưng thời điểm này, đơn vị chỉ có thể thu mua chè búp tươi cho 30 hộ đã có hợp đồng liên kết để giữ diện tích ổn định. Bà Phạm Thị Bốn, thôn 1 Tân Yên có 0,5 ha liên kết với Hợp tác xã chè Tân Thái 168. Chia sẻ với hợp tác xã thời điểm dịch bệnh, bà cũng như nhiều hộ gia đình đã ký hợp đồng đồng thuận giảm tiền thu mua chè búp tươi từ 12 nghìn đồng/kg xuống còn 11 nghìn đồng/kg. Bà Bốn cho biết, thời điểm này vẫn có thu nhập từ chè đã là may mắn rồi.

Chè khô của Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 được chia thành từng khu vực tùy theo thời gian hoàn thành để xuất bán, không ảnh hưởng đến chất lượng chè.
Chè khô của Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 được chia thành từng khu vực tùy theo thời gian hoàn thành để xuất bán, không ảnh hưởng đến chất lượng chè - Ảnh: Báo Tuyên Quang.

Thông tin với báo chí, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 Bàn Văn Dương chia sẻ, với suy nghĩ khó khăn này chỉ là tạm thời, nên hợp tác xã vẫn cố gắng duy trì sản xuất, giữ vùng nguyên liệu. Đối với các hộ đã ký hợp đồng, hợp tác xã vẫn thực hiện việc hỗ trợ phân bón theo hình thức trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… để cùng chia sẻ khó khăn với bà con.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang từng cho biết: Cùng với thực hiện các giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế trong giai đoạn phòng chống dịch, đối với sản xuất chè các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đốn đốc, hướng dẫn nhân dân duy trì thực hiện các biện pháp đầu tư thâm canh bảo đảm cho cây chè ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tiếp tục thu mua hết nguyên liệu trong nhân dân với giá thu mua hợp lý, bảo đảm nguồn lực để nhân dân duy trì đầu tư cho cây chè.

“Việc quảng bá, giới thiệu, mở rộng tiêu thụ cũng được các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chủ động với nhiều hình thức mới như: Bán hàng Online, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng của tỉnh và các sở ngành, ...  đồng thời đẩy mạnh liên hệ với các khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn, tăng sức tiêu thụ sản phẩm”. Ông Tuyên cho biết thêm.

Có thể khẳng định, chè vẫn đang là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 thời gian qua, và những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại địa phương thời gian gần đây gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, chế biến cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm chè, từ đó đã ảnh hưởng đến nguồn thu của hàng nghìn hộ dân, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chè.

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp tại địa phương, bên cạnh việc thay đổi tư duy, nhận thức của các HTX và bà con nông dân thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn để hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch. Để ngành chè có thể phát triển ổn định thì điều cần nhất trong lúc này là giải quyết khó khăn trước mắt cho người nông dân. Bên cạnh việc tìm kiếm những thị trường mới, duy trì thị trường cũ, ổn định hơn ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, mở rộng các kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức trực tuyến, các sàn thương mại điện tử, bán hàng online... Thêm vào đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng chè, đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm; chú trọng phát triển các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm chất lượng sản phẩm chè truyền thống.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.