Ngành chè Việt: Khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặc dù năng suất và sản lượng chè liên tục tăng, nhưng quá trình phát triển ngành chè ở nước ta vẫn còn một số bất cập, do nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm hạn chế khả năng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam trên thị trường thế giới.

Khó khăn trong việc ổn định đời sống công nhân

Ổn định nhân lực cho ngành chè đang là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay. Tại các tỉnh miền núi phía bắc, phần lớn các hộ trồng chè là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, trình độ kiến thức hạn chế, vì thế cơ bản vẫn thực hiện quy trình đầu tư thâm canh, chăm sóc theo phương pháp truyền thống, chưa có nguồn lực đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất chè.  

Điển hình như tỉnh Thái Nguyên, có 91 nghìn hộ trồng chè nhưng hiện đang diễn ra tình trạng thiếu nhân lực thu hái, bởi các khu công nghiệp, các ngành nghề khác đã thu hút phần lớn lao động trong độ tuổi lao động. Để giữ uy tín, chất lượng chè, một số nơi đã buộc phải phá bỏ diện tích chè quá lứa.

Người dân đang phá bỏ diện tích chè quá lứa
Người dân đang phá bỏ diện tích chè quá lứa

Về phía doanh nghiệp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi những sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như chất lượng mẫu mã sản phẩm chè của các đơn vị kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp chè nói riêng để nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo cuộc sống ổn định cho công nhân.

Là một trong những đơn vị xuất khẩu chè chủ lực, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn sản lượng chè khô của tỉnh Tuyên Quang được xuất khẩu nhưng chủ yếu ở mức giá thấp. Để nông dân có thu nhập cao và bền vững hơn thì yêu cầu về xây dựng vùng chè phải an toàn, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Trước tình hình trên công ty CP Chè Sông Lô đã nhanh chóng có động thái đối thoại với nông dân vùng trồng chè đặc sản, để thay đổi phương pháp chăm sóc chè.

Chè sạch buộc phải cạnh tranh với chính mình

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến chè chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn tái sản xuất. Cụ thể, tại Công ty cổ phần Chè Phong Hải (Lào Cai), đối với các dòng sản phẩm của công ty đều được khuyến mại, giảm giá từ 15-30%. Bên cạnh đó, công ty cũng cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Công ty cổ phần Chè Phong Hải (Lào Cai) luôn cố gắng hết sức để giữ nhịp độ sản xuất và đời sống của nhân viên
Công ty cổ phần Chè Phong Hải (Lào Cai) luôn cố gắng hết sức để giữ nhịp độ sản xuất và đời sống của nhân viên

Ảnh hưởng dịch bệnh gây áp lực đối với cả công ty, nhưng Phong Hải vẫn luôn cố gắng hết sức để giữ nhịp độ sản xuất và đời sống của nhân viên. Doanh nghiệp vận dụng linh hoạt các nguồn lực sẵn có cũng như các nguồn lực bên ngoài. Cố gắng duy trì sản xuất, tìm các bạn hàng mới để xuất hàng. Duy trì nguồn thu từ đó duy trì hoạt động chung của công ty điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Tiết giảm các khoản chi phí không thực sự cần thiết nhằm đảm bảo chế độ tiền lương cho người lao động.

Giám đốc Công ty CP chè Phong Hải cho biết: “Một số nước nhập chè khô của công ty đã đóng cửa khẩu hoặc không có giao dịch trên thị trường, dẫn đến nguồn vốn của công ty không được xoay vòng, gây áp lực về tài chính. Tuy nhiên, để đảm bảo giữ vững nguồn nguyên liệu chè, công ty vẫn bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng chè theo hợp đồng đã ký; đồng thời huy động mọi nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó có phương án bảo quản sản phẩm một cách hợp lý nhất”.

Hướng đi nào cho ngành sản xuất, chế biến chè xuất khẩu ổn định cả trước mắt lẫn lâu dài

Về định hướng phát triển cây chè bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, xây dựng ngành chè phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, đa dạng, trên cơ sở nhu cầu của thị trường gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đẩy mạnh thâm canh và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, nguồn nước, lao động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Phát triển sản xuất chè phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến chè, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi các vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, trên cơ sở huy động được mọi nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho hay: “Ngành Nông nghiệp đã lường trước khó khăn ngành chè và có phương án cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và xúc tiến tìm đầu ra. Chè luôn được xác định là cây trồng thế mạnh của Lâm Đồng, là loại nông sản nổi tiếng góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Trước những biến động của thị trường và sự cạnh tranh của các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác, cây chè đang chịu một sức ép không nhỏ”.

Song điều bất hợp lý vẫn tồn tại làm cho ngành chè vẫn lận đận, đó là nguồn nguyên liệu chè thì phong phú, đa dạng nhưng người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè ở Lâm Đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc liên kết sản xuất.

Ngành chè Việt: Khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài - Ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Thu, Giám đốc công ty chè Phước Nam Anh cho rằng: Hiện nay để cây chè phát triển, các địa phương cần quy hoạch sản xuất chè gắn với lợi thế vùng sinh thái, vùng nguyên liệu và thị trường làm cơ sở để quản lý chất lượng, phát triển bền vững ngành chè. Từ đó, rà soát quy hoạch, xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, loại bỏ các cơ sở chế biến lạc hậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Việc xuất khẩu chè thô đưa lại hiệu quả không cao, chúng tôi mong muốn tìm ra hướng đi mới, phù hợp để nâng giá trị cây chè theo hướng phát triển mở, để cây chè thực sự là cây công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng cùng đồng hành và phối hợp chia sẻ, tạo điều kiện về chính sách, đường lối, nguồn vốn với các doanh nghiệp chè của tỉnh.

Trước tình hình trên, Bộ NN và PTNT đề ra tám nhóm giải pháp đồng bộ từ tổ chức vùng sản xuất, khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu giống gắn với định hướng sản phẩm chè… đến phân vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Về phía các địa phương, cho đến thời điểm này, nhiều tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc đều ban hành chương trình, đề án đi kèm các chính sách ưu tiên phát triển cây chè và sản phẩm chè phù hợp tình hình địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái - Nguyễn Thế Phước cho biết: Đến nay Yên Bái đã hoàn thành việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển cây chè Shan tuyết đặc sản theo hướng an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang - Nguyễn Văn Việt cho hay, tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ diện tích chè nguyên liệu, bảo đảm giữ ổn định diện tích chè hiện có, không để xảy ra tình trạng tự chuyển đổi diện tích đất trồng chè.

Bên cạnh đó, để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chè, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chè là cây trồng hàng đầu để tăng thu nhập, làm giàu cho người dân. Khắc phục hạn chế, đạt mục tiêu đề ra, tỉnh hạn chế mở rộng diện tích, đẩy mạnh thay thế giống chè cũ bằng những giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của chè. Giải pháp mà tỉnh đưa ra là chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; chế biến, bảo quản sản phẩm và đặc biệt chú trọng hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Còn tỉnh Phú Thọ, địa phương hiện đang triển khai Đề án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ với mục tiêu đưa cây chè Đất Tổ thăng hạng trên bản đồ chè Việt Nam cả về sản lượng và chất lượng. HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 05 về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ với mức hỗ trợ 1,2 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mức hỗ trợ cao nhất ba tỷ đồng/dự án.

Tỉnh Lào Cai trong những năm tới sẽ tập trung triển khai dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị chè. Tỉnh tiếp tục duy trì diện tích gần 500 ha chè chất lượng cao; thực hiện trồng mới nâng tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh đến hết năm 2025 đạt hơn 1.000 ha; giá trị thu nhập cao hơn so với thu nhập bình quân chung trong sản xuất chè khoảng 25%. Đồng thời thực hiện việc thâm canh, tăng năng suất, diện tích chè kinh doanh lên 1.205 ha; nâng tổng diện tích chè VietGAP trên toàn tỉnh đạt 3.505 ha, năng suất đạt khoảng 8 đến 10 tấn, áp dụng một trong các tiêu chuẩn như: VietGAP, Global GAP, HACCP, ICM, chè hữu cơ để giúp quản lý chặt chẽ nguồn chè nguyên liệu, ổn định chất lượng sản phẩm tại các vùng nguyên liệu đặc sản chè của tỉnh.

Hy vọng với sự quyết liệt của ngành chủ quản, sự chủ động của các địa phương trong việc thực hiện những giải pháp đồng bộ nêu trên, những bất cập, trở ngại trong phát triển cây chè sẽ nhanh chóng được khắc phục, đưa ngành chè nước ta phát triển tương xứng tiềm năng, đưa kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam tăng cao, mang lại giá trị gia tăng, thu nhập cao và bền vững hơn cho người sản xuất và doanh nghiệp.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Văn Chung