Bước đệm mở rộng diện tích vùng sản xuất
Cây chè được xem là "cây xóa đói giảm nghèo" và là cây kinh tế quan trọng của nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Ngành chè đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc (NOMAFSI) là đơn vị duy nhất nghiên cứu, phát triển giống chè mới trên cả nước. Nhờ chọn tạo thành công các giống chè mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất cao, chất lượng tốt, diện tích chè Việt Nam đã mở rộng từ các tỉnh phía Bắc sang Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ.
Việt Nam có hai giống chè bản địa là chè Shan và chè Trung Du. Chè Shan nguyên bản là các vùng chè cổ thụ trên núi cao như Suối Giàng (Yên Bái); Cao Bồ, Thương Sơn, Hoàng Su Phì, Lũng Phìn (Hà Giang); Tủa Chùa (Điện Biên)... Hai giống chè này thường được chọn là bố mẹ trong các tổ hợp lai tạo, tạo ra các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao hơn.
Viện NOMAFSI dành hơn 25 ha đất để trồng khảo nghiệm, hoàn thiện các quy trình canh tác, xây dựng mô hình trình diễn các giống mới. Một số giống chè mới tiêu biểu do Viện nghiên cứu chọn tạo thành công trong giai đoạn 2019 - 2023 có thể kể đến như LCT1, PH14, PH276, PH22, LP18, TC4, Hương Bắc Sơn, VN15...
Giống chè lai từ Shan tuyết và chè Trung Du: có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhiều vùng thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Ví dụ như giống LCT1 cho sản phẩm chè xanh truyền thống với hương vị thơm ngon, được ưa chuộng tại Thái Nguyên.
Giống chè có nguồn gốc từ chè Shan: phù hợp để chế biến chè đen cao cấp, Hồng trà hay trà Phổ Nhĩ. Ví dụ như giống PH14 giữ được đặc trưng hình thái và nội chất của chè Shan tuyết Hà Giang, đồng thời cho năng suất cao.
Nhờ có giống chè mới, diện tích trồng chè đã được mở rộng sang các tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An... Ngành chè đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống người dân miền núi, giúp họ xóa đói giảm nghèo, cải thiện được kinh tế gia đình và cả góp phần to lớn trong việc cải thiện kinh tế ở nhiều địa phương.
Đa dạng hóa sản phẩm chè Việt
Nhờ có giống chè tốt, cơ cấu sản phẩm chè Việt Nam đã thay đổi lớn. Sự ra đời của các giống chè mới đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm chè Việt Nam. Từ chỗ chỉ có 2 - 3 dòng sản phẩm đơn điệu, đến nay, Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại chè như chè đen, chè xanh thơm, chè Olong, chè Phổ Nhĩ ép bánh, hồng trà, bạch trà… có giá trị cao gấp nhiều lần chè xanh truyền thống.
Việc nghiên cứu chọn tạo các giống chè mới cũng góp phần nâng cao chất lượng chè Việt Nam. Các giống chè mới có hàm lượng polyphenol cao, hương vị thơm ngon, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nâng cao giá trị sản xuất chè
Để nâng cao giá trị trong sản xuất chè, cần xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị từ trồng, thâm canh và chế biến các sản phẩm từ các giống chè mới tại các vùng trồng chính. Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đang thực hiện mô hình này và đã đạt được những kết quả tích cực.
Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đề ra mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.
Ngành chè Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Với sự nỗ lực của các nhà khoa học, ngành chè Việt Nam trong việc chọn tạo và ứng dụng thành công các giống chè mới, cùng với việc xây dựng chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu, sẽ góp phần đưa ngành chè Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.
Bảo An