Không ít người Việt Nam có dịp đến Hàn Quốc, rồi thăm đảo JEJU- hòn đảo thiên đường đặc biệt của nước này. Chẳng mấy ai lại không ghé thăm một điểm du lịch được xem là độc đáo, gắn với nghề nông trên đảo. Ấy là đồi chè. Ở đó, bạn sẽ được thưởng thức trà và các loại sản phẩm làm từ chè và kết hợp với chè xanh. Những người Việt Nam đến đây đều có chung nhận xét - so với những đồi chè ở nước mình, đồi chè ở đây đâu có đẹp, to rộng hấp dẫn bằng...
Đồi chè nới đây diện tích rất khiêm tốn, cây và lá chè thưa thớt, không có màu xanh bát ngát, uốn lượn trên hàng trăm ha sườn đồi núi như đồi, nương chè ở Việt Nam. Văn hóa trà Hàn Quốc không thể sánh với một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (TQ)… và cả Việt Nam. Ấy nhưng, chẳng mấy ai đến thăm đảo JEJU với bất cứ lí do gì cũng phải một lần mục sở thị nơi này.
Phải chăng, người Hàn Quốc có “bí quyết” kinh doanh du lịch? Nhưng việc khép kín “tua” du lịch với nhiều trải nghiệm như thăm và thưởng thức vườn quýt, địa chất núi lửa, phim trường của bộ phim nổi tiếng “Nàng Đê- chang - cưm”, nơi nuôi lợn đen - đặc sản ẩm thực trên đảo đã giúp cho địa chỉ đồi chè bớt tẻ nhạt, không bị cô độc.
Kể câu chuyện trên để thấy tiềm năng ngành chè của Việt Nam cũng có vị thế nhất định trên thế giới, nhất là châu Á và khu vực Đông Nam Á. Từ rất lâu, Chính phủ và Bộ chuyên ngành đã quan tâm đến chiến lược phát triển ngành chè.
Các bộ, ngành liên quan, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hỗ trợ tích cực Tổng Công ty chè Việt Nam và Hiệp hội Chè Việt Nam duy trì, phát triển ngành chè. Song, những kỳ vọng và ước muốn ngành chè trở thành ngành kinh tế tiềm năng, mang lại lợi nhuận, trước hết ở góc độ văn hóa, du lịch quảng bá hình ảnh đất nước, con người… còn muôn vàn khó khăn.
Nhiều hội nghị, hội thảo, hội chợ… chuyên về ngành chè, đồ uống- “văn hóa trà”… các ý kiến đã chỉ ra mặt mạnh yếu, thuận lợi, khó khăn và giải pháp tháo gỡ thúc đẩy ngành chè phát triển. Tiếc thay, đến nay, hoạt động của ngành chè vẫn dừng ở mức duy trì, phát triển bình bình, chưa nói đến những hụt hẫng đáng kể, chưa thể hồi phục sau mấy năm chịu đựng cơn “địa chấn” covid-19.
Chè hay trà là cách gọi cho cùng một sản phẩm. Cùng là đồ uống nhưng người thì nói uồng trà, người lại bảo uống chè. Đã từ lâu, gia đình người Việt đều uống trà- “chén trà làm đầu câu chuyện”. Từ một vài tỉnh được coi là đất chè, thủ phủ chè như Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng…. nay, vùng trồng chè đã mở rộng ra nhiều tỉnh, địa phương khác với quy mô khác nhau, cho dù lợi nhuận kinh tế không thể bằng các sản phẩm nông lâm khác.
Sản phẩm từ chè của Việt Nam cũng phát triển khá phong phú. Văn hóa trà đã lan tỏa đến nhiều đối tượng xã hội nhờ việc học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chế biến, quảng bá của các nước trong và ngoài khu vực. Ít nhiều thói quen, sở thích uống trà của người Việt cũng tạo nên nguồn tiêu thụ trong nước nhưng sản lượng chè tiêu thụ nội địa của đất nước 100 triệu dân còn rất khiêm tốn. Vì sao? vì thị trường đồ uống trong nước và quốc tế rất đa dạng, phong phú, từ lâu đã lấn át nước trà. “Văn hóa uống” cũng theo xu thế hội nhập.
Có thể lựa chọn đồ uống đa dạng: nước lọc, nước khoáng, nước ngọt, nước có gas, nước trái cây ép…Trà chưa hẳn là ưu tiên hàng đầu cho dù công nghệ chế biến sản phẩm chè ngày càng hoàn thiện, sản phẩm trà cũng phong phú, đa dạng. Không thể phủ nhận Việt Nam đã làm ra những sản phẩm từ chè có hương vị và ưu thế riêng có để hình thành thương hiệu như: trà Suối Giàng, trà Thái Nguyên, trà cổ thụ, trà đen, trà xanh không độ, trà giải nhiệt, trà uớp hoa bưởi, hoa nhài, trà sen…Chè Việt Nam đã có mặt ở thị trường một số nước nhờ đáp ứng “ gu” khách hàng ở một số quốc gia ấy.
Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tương lai không xa, quy định này sẽ được thông qua, phù hợp với xu thế thế giới, loại bỏ dần những đồ uống có hại cho sức khỏe con người. Có thể coi đây là dư địa, cơ hội để đồ uống từ chè cạnh tranh, phát triển. Trà trở thành sản phẩm không chỉ giải nhiệt, mà cò là đồ uống có lợi cho sức khỏe, tinh thần sảng khoái, mát gan, thải độc gan, giảm mỡ máu, tốt cho đường tiêu hóa…Sản phẩm từ chè được coi là “thực phẩm chức năng” bổ sung hỗ trợ sức khỏe. Thật thú vị khi giới thiệu quý vị thưởng thức trà sẽ ngon vị hơn khi uống kèm với kẹo lạc, kẹo vừng, bánh khảo, bánh đậu xanh, bánh nướng, bánh dẻo, kẹo dồi…
Bắt mạch xu thế phát tiển của thế giới về đồ uống, nhất định những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Vì thế, sản phẩm có cơ hội phát triển. Rượu, đồ uống có cồn, có gas, có chất kích thích gây nghiện, có hại sức khỏe con người sẽ bị hạn chế loại bỏ, thay thế dần. Một số nước đã đưa sản phẩm thay thế như bia không độ, rượu có độc cồn thấp, nhẹ đến mức hợp lý…Phải chăng lức đó sản phẩm từ chè, văn hóa trà lên ngôi? Cũng như các sản phẩm tiêu dùng khác muốn cạnh tranh với các loại đồ uống khác, ngành chè cũng phải được nhà nước quan tâm đầu tư xứng tầm, bắt đầu từ quy hoạch vùng trồng, phương thức, kỹ thuật quy trình canh tác đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế về đồ uống, kế đến công nghệ sản xuất chế biến theo hướng quy mô, hiện đại cũng như địa chỉ tiêu thụ dài hạn ổn định vững chắc là đối tác chiến lược, là bạn hàng tin cậy .
Văn hóa trà, sản phẩm từ chè phải luôn gắn liền với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Thưởng thức trà văn minh tao nhã, an nhàn, thư thái, tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng, thư giãn đã thành triết lý của những quốc gia có nền kinh tế trà phát triển và uống trà đã trở thành thương hiệu văn hóa riêng có, như trà đạo, nghệ thuật pha trà và thưởng ngoạn trà.
Sản phẩm trà thủ công, truyền thống ở một số vùng quê vẫn nên được duy trì nhằm phục vụ cho du lịch cộng đồng địa phương có đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa đi cùng giới thiệu sản phẩm khác riêng có của vùng miền. Người Thái Nguyên đã từng mời khách món cá kho với thịt và lá chè xanh; món chả bọc lá chè xanh… và món ấy đã được xem là món “đặc sản” trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Không ít người, nhất là người lao động, đang hoạt động trong ngành chè quan nhiều thế hệ đều khát khao, ước mơ muốn ngành chè Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng hiện có. Song, cũng như nhiều ngành nghề khác, hiệu quả kinh tế vẫn được ưu tiên là tiêu chí hàng đầu.
Có thể vì thế mà nền điện ảnh thì phim nhựa, hãng phim truyện Việt Nam oai hùng đã là quá khứ; các loại hình âm nhạc truyền thống: sân khấu tuồng, kịch nói, cải lương, chèo, rối nước... cũng rơi vào tình cảnh “vang bóng một thời”. Muốn gìn giữ, bảo tồn đã khó. Muốn phát triển mạnh mẽ càng khó gấp bội. Nên coi ngành chè và văn hóa trà là một ngành kinh tế - văn hóa liên ngành khép kín. Quan tâm đầu tư cho phát triển ngành chè không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn phải nghĩ đến lợi ích quảng bá hình ảnh đất nước con người, truyền thống tốt đẹp, lịch sử dân tộc Việt Nam với quốc tế. May ra, ngành chè mới có cơ hội phát triển trong tương lai gần.
Văn Hùng