Ngành chè Việt Nam: Xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín chinh phục thị trường nội địa

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, hàng loạt thương hiệu trà Việt Nam liên tục được ra mắt và đưa vào các kênh phân phối. Có thể nói, thị trường trà Việt đang bước vào giai đoạn “trăm hoa đua nở” với rất nhiều nhà đầu tư ở các cấp độ, phân khúc và kênh phân phối khác nhau. Việc khai thác thị trường nội địa với sức mua gần 100 triệu dân chính là bệ đỡ giúp các doanh nghiệp trà duy trì sản xuất, kinh doanh.

Tiềm năng của cây chè Việt Nam

Chè là một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trên cả nước  
Chè là một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trên cả nước  

Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích ổn định ở mức 130 nghìn ha, năng suất bình quân đạt mức khoảng 8 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt khoảng 192 nghìn tấn.

Diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn phải kể đến như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha).

Hiện nay, Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng, như: Chè shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14… và các giống chè nhập nội như PT95, Kim Tuyên, Bát Tiên, Tứ Quý Xuân... Trong đó, chè shan là giống chè quý, được phát triển lâu đời tại một số địa phương khu vực phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… Với khoảng trên 24% tổng diện tích trồng chè cả nước. Chè shan bao gồm các giống: Chè shan công nghiệp, shan vùng cao và shan đầu dòng. Hiện những rừng chè shan cổ thụ với nhiều cây hàng trăm năm tuổi của Việt Nam đang cho sản phẩm có nhiều đặc tính quý và là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất chè sạch, chè đặc sản, cũng như các sản phẩm chè chế biến có giá trị gia tăng cao.

Chè là mặt hàng đóng góp vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành Nông nghiệp Việt Nam, với khoảng 80% tổng sản lượng hàng năm được cung cấp cho thị trường nước ngoài. Tính đến nay, sản phẩm chè Việt Nam đã có tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 200 triệu USD.

Chè xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, xuất khẩu chè ước đạt 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2023 ước đạt 1.737,3 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022.

Các yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2023 là do nhu cầu thị trường yếu và các quy định ngày càng khắt khe tại các thị trường nhập khẩu chè của Việt Nam. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.

Đánh giá về thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hầu hết trị giá nhập khẩu chè tại các thị trường lớn trên thế giới từ Việt Nam đều chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, dù nhu cầu thị trường yếu thì ngành chè của Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị phần.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, ngành chè Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người trồng chè liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới… Song song với hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác triệt để thị trường nội tiêu, để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và sản phẩm trà Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.

Tiềm năng ở thị trường nội địa

Đánh giá về thị trường nội địa, ông Hoàng Vĩnh Long- Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng thị trường nội địa là “mảnh đất” màu mỡ đối với các doanh nghiệp Trà Việt. Bởi lẽ, thị trường trong nước có quy mô dân số lớn với gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, tầng lớp trung lưu có xu hướng tăng nhanh và tỷ lệ tiêu dùng so với tổng sản phẩm quốc nội cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%)… Theo ông Long, nếu các doanh nghiệp Việt biết khai thác, tận dụng tốt dư địa phát triển của thị trường nội địa sẽ duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách ổn định.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam  
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam  

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng có những biến động khó lường như hiện nay, thị trường nội địa luôn là điểm tựa vững chắc, an toàn, tạo thế chủ động cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần nhận thức sâu sắc rằng, muốn bán hàng tốt ra thế giới thì trước hết phải bán hàng tốt ở thị trường nội địa, cần “bền gốc” ở thị trường nội địa để làm “bàn đạp” phát triển, vươn ra thế giới - ông Long nhấn mạnh.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, hàng loạt thương hiệu trà Việt Nam liên tục được ra mắt và đưa vào các kênh phân phối. Có thể nói, thị trường trà Việt đang bước vào giai đoạn “trăm hoa đua nở” với rất nhiều nhà đầu tư ở các cấp độ, phân khúc và kênh phân phối khác nhau.

Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, trong thời gian gần đây, ngành chè Việt đã có những bước tiến tích cực. Năng suất và sản lượng chè liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Trong hoạt động chế biến chè, đã có nhiều dây chuyền công nghệ chế biến với mức độ cơ giới hoá cao được bổ sung thay thế tại nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành chè đã thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và từng bước nâng cao giá trị gia tăng, đã sản xuất và làm chủ được công nghệ trồng, canh tác, chế biến chè matcha, chè uống liền từ nguyên liệu chè trong nước. Sản phẩm mới đang được thị trường đón nhận giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Các doanh nghiệp sản xuất chè shan rừng đã có nhiều thay đổi, nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới, phát huy được lợi thế của trà cổ thụ Việt Nam.

Xây dựng chiến lược bài bản để chinh phục “sân nhà”

Chỉ ra những rào cản cản trở doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa, theo các chuyên gia, trước hết là do việc khai thác thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu rất khác nhau. Cụ thể với xuất khẩu, phần lớn doanh nghiệp chè Việt làm gia công theo đơn hàng xuất khẩu, nên không phải lo đầu ra của sản phẩm hay khâu thiết kế mẫu mã. Trong khi đó, nếu sản xuất bán hàng trong nước, doanh nghiệp sẽ phải chủ động tất cả các khâu từ thiết kế đến tổ chức giới thiệu sản phẩm và phân phối, bán hàng… Điều này sẽ là “bài toán” khó đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, năng lực còn hạn chế về nhiều mặt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chè Việt còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối hợp tác tiêu thụ với các chuỗi cơ sở phân phối bán lẻ. Mặt khác, các doanh nghiệp này vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ, thậm chí là hàng giả, hàng nhái, cũng như phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu đang có phần lấn át hàng nội. Ngoài ra, hạ tầng của hệ thống phân phối, hạ tầng logistics… vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc phân phối sản phẩm của doanh nghiệp ra thị trường…

Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, ngành chè Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác phân tích và nghiên cứu thị trường, xác định được thị trường trọng tâm, thị trường tiềm năng, xác định sản phẩm chủ lực, nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng... để từ đó trồng và sản xuất chè theo nhu cầu của thị trường. Có như vậy, chè Việt Nam mới có thể xây dựng được thương hiệu, không bị “lép vế” trước các thương hiệu chè trên thế giới.

Nhấn mạnh việc nắm bắt đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp chinh phục thành công thị trường nội địa, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư xứng đáng cho hoạt động nghiên cứu thị trường. Trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo nhu cầu thị trường, doanh nghiệp mới có thể lựa chọn được cho mình một phân phúc phù hợp để có dòng sản phẩm tạo được chỗ đứng. Đồng thời xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng luôn có sự thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải năng động, luôn luôn đổi mới sáng tạo để đón bắt được nhu cầu của họ.

Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Nhà nước cần gia tăng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, hỗ trợ kết nối cung - cầu... Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, để bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, bên cạnh phát triển thương hiệu, cần thực thi một số giải pháp để ngành chè Việt Nam phát triển bền vững, sản xuất với sản lượng lớn, chất lượng tốt mới mang lại giá trị kinh tế cao. Việc quy hoạch vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi cần phải được tiến hành bằng cách mạnh dạn giảm bớt diện tích chè, nếu tại vùng đó diện tích chè quá lớn làm mất sự cân bằng của môi trường sinh thái. Không nên mở rộng diện tích nếu đã đạt những tiêu chí quy định. Đặc biệt, cần dựa vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng mà quy hoạch vùng chè tương ứng với giống chè nhằm phát huy tối đa ưu thế từng vùng, ưu thế từng giống chè; từ đó sẽ ưu tiên sản xuất những sản phẩm đặc sản.

Bên cạnh đó, cần tăng cường và đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, để hai bên cùng thực hiện tốt quy trình từ khâu tổ chức sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm chè. Giải quyết tốt được khâu này sẽ giúp nâng cao chất lượng chè, kiểm soát được dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên chè, dần lấy lại được uy tín cho chè Việt Nam trên thị trường. Muốn vậy, ngành chè cần tăng cường phổ biến kiến thức cũng như chuyển giao công nghệ cho người trồng chè để họ có thể sản xuất ra những nguyên liệu đạt chất lượng quy định. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cần có biện pháp mạnh trong việc xử lý những nhà máy chè vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; thậm chí, cần cân nhắc việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh cho các nhà máy không nằm trong vùng chè nguyên liệu và khuyến khích mở rộng mô hình “nhà máy - vườn chè”. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng, giá trị của chè Việt.