Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với ngành dầu khí.
Là một chuỗi giá trị tương đối đơn giản và non trẻ so với các tập đoàn dầu khí lớn, ngành dầu khí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường dầu mỏ thế giới. Bất lợi về giá vốn của các dự án thượng nguồn khiến động lực đầu tư khai thác các mỏ dầu khí mới không liên quan tới lợi ích kinh tế, mà phụ thuộc hoàn toàn vào định hướng của Chính phủ. Vì vậy, bức tranh toàn cảnh ngành dầu khí nội địa vẫn không sáng sủa, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu dầu khí thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 với giả định giá dầu dưới 50 USD/thùng và đưa ra những mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá thận trọng. Dựa trên kỳ vọng của lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành, VDSC cũng cho rằng 2021 sẽ không phải là năm của cổ phiếu dầu khí. Một trong những điểm tích cực hiếm hoi tới từ thị trường khí hóa lỏng (LNG) thế giới.
Việc giá LNG thế giới giảm mạnh và giữ ở mức thấp trong suốt năm 2020 giúp các nhà máy điện và một nhóm các nhà sản xuất công nghiệp hưởng lợi do giá đầu vào giảm. VDSC cho rằng triển vọng ngành LNG cũng chính là trụ cột cung cấp công ăn việc làm cho chuỗi giá trị ngành dầu khí nội địa trong khoảng 10 năm tới. Chủ đầu tư các mỏ khí, thầu xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác và nhập khẩu khí, nhà vận hành cảng sẽ là những bên hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng dùng khí thiên nhiên trong sản xuất điện và sản xuất công nghiệp.
Triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn tương đối u ám. Kỳ vọng về nhu cầu dầu khí toàn thế giới vốn đã không khả quan trước thời điểm bùng phát dịch do dư cung và chiến tranh thương mại, lại càng trở nên tiêu cực hơn do tác động của COVID-19. Nhu cầu đi lại sụt giảm, sức tiêu dùng kém do giảm thu nhập, đình trệ các hoạt động sản xuất công nghiệp do giãn cách xã hội là ba trong số nhiều lý do ảnh hưởng lên triển vọng ngành dầu khí toàn cầu. Sau khi hợp đồng tương lai giá dầu giảm về âm trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội hồi Q2/2020, giá dầu có phục hồi, tuy nhiên theo dự báo của nhiều tổ chức kinh tế- tài chính thế giới, giá dầu năm 2021 nhiều khả năng dao động quanh mức 40-50 USD/thùng.
Hoạt động thượng nguồn kém sôi động. Thứ nhất, số lượng dự án mới không nhiều do triển vọng nhu cầu thế giới khó dự đoán. Điều này khiến các doanh nghiệp thượng nguồn không đẩy mạnh triển khai các dự án thăm dò và khai thác mới. Do vậy, giải ngân trong tương lai nhiều khả năng giảm, kéo theo backlog của các doanh nghiệp xây lắp dầu khí. Thêm vào đó, sản lượng dầu thô và khí khai thác nội địa sẽ gặp khó khăn trong tăng trưởng dài hạn.
Sản lượng khai thác được dự phóng giảm trong năm 2021. Hai làn sóng COVID trong năm 2020 đã ảnh hưởng lên lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu thô. Fitch Solutions dự phóng sản lượng dầu thô năm 2021 của Việt Nam giảm 4% dựa trên kế hoạch 5 năm của PVN tập trung vào cải thiện hiệu quả hoạt động thay vì tăng quy mô khai thác. VDSC cho rằng, do nguồn lực có hạn của tập đoàn kinh tế nhà nước, tăng trưởng sản lượng dầu thô trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc thu hút vốn tư nhân vào ngành này. Hiện tại Bộ Công thương đang đề nghị xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi để tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, tuy nhiên VDSC cho rằng việc Nhà nước mở cửa cho dòng vốn tư nhân vẫn chưa thể sớm thực hiện. Như vậy, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành dầu khí trong nước vẫn sẽ chưa thể kỳ vọng vào tăng trưởng nguồn công ăn việc làm trong vài năm tới.
LNG là ngôi sao của câu chuyện tăng trưởng trong tương lai, nhưng vẫn còn quá sớm để điểm tên những người hưởng lợi. Trong chiến lược phát triển của GAS, các mỏ khí tự nhiên, đường ống dẫn khí, cảng LNG và các hợp đồng hợp tác với các nhà máy điện khí được kỳ vọng mang lại tăng trưởng sản lượng cho bản thân GAS cũng như cho cả ngành khí nói chung. Cho tới hiện tại, chúng tôi nhận thấy ngoài sự kiện Sao Vàng- Đại Nguyệt bắt đầu cung cấp khí là đã hiện thực hóa, các dự án khác sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023 trở đi, bao gồm Kho LNG Thị Vải và dự án mở rộng, các đường ống thu gom và vận chuyển khí, kho cảng LNG Sơn Mỹ cùng một loạt các nhà máy điện khí trong đó có Nhơn Trạch 3, 4. VDSC kỳ vọng có thể sớm xác định tiến độ giải ngân cũng như những công ty trực tiếp tham gia xây dựng cho các dự án này. Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu LNG cũng được kỳ vọng sẽ sôi động do nguồn cung LNG dồi dào và giá rẻ từ các mỏ khí quốc tế. Như vậy, mặc dù lợi nhuận của hoạt động khai thác khí trong nước sẽ không cao, GAS vẫn có thể chuyển hướng sang khai thác thị trường LNG nhập khẩu mà vẫn bảo toàn được vị thế là nhà cung cấp khí độc quyền cho các dự án hạ nguồn trong nước.
Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành dầu khí không nhiều, nhưng vẫn tồn tại. Trong rổ cổ phiếu ngành dầu khí, không có quá nhiều cái tên gắn liền với cụm từ “tăng trưởng năm 2021”, vì vậy tương đối khó để chọn lọc ra các doanh nghiệp có khả năng ghi nhận KQKD tốt trong năm 2021. Tuy nhiên, cơ hội tích lũy vẫn có thể tới khi thị giá giảm mạnh, đặc biệt là những cổ phiếu có tài chính lành mạnh, bao gồm dòng tiền tốt và có chính sách cổ tức tiền mặt ổn định cho cổ đông như PVS. Nhà đầu tư có thể nắm giữ những cổ phiếu này để đón sóng dầu khí khi giá dầu thế giới hồi phục bất ngờ trong năm. Ở chiều ngược lại, danh sách những doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ xu hướng LNG bao gồm NT2, DPM và DCM, là các nhà máy sử dụng nguyên liệu đầu vào khí thiên nhiên và sẽ nới rộng được biên gộp khi giá khí đầu vào giảm.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành