Ngành nông nghiệp năm 2020: Vươn mình trong gian khó, thích nghi để phát triển

Năm 2020 chông gai, chứng kiến nhiều biến động của ngành nông nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản giữa hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, ngành nông nghiệp vẫn gồng mình mạnh mẽ để ứng phó và phát triển, đạt được nhiều thành quả nổi bật.

Mưa đá tàn phá nhà cửa, hoa màu
Mưa đá tàn phá nhà cửa, hoa màu

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, tại một số tỉnh miền núi phía bắc nước ta đã xảy ra hiện tượng mưa đá, giông lốc. So với quy luật khí hậu, đây được coi là hiện tượng bất thường của thời tiết, gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân, trong đó sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Cô-rô-na gây ra (Covid-19) bắt đầu có những diễn biến phức tạp, tác động đến tình hình thương mại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc.

Theo đó, tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, hàng trăm xe nông sản ùn ứ, nằm chờ thông quan do liên quan đến quá trình kiểm dịch và nhân lực vận chuyển từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, các thị trường khác như Mỹ, châu Âu, Ô-xtrây-li-a… cũng ngay lập tức tạm ngừng nhập một số nông sản của nước ta với lý do lo ngại dịch bệnh.

Hàng trăm xe nông sản ùn ứ nằm chờ thông quan 
Hàng trăm xe nông sản ùn ứ nằm chờ thông quan 

Từ đó đến nay, dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu và làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Giữa lúc ngành nông nghiệp trầy trật ứng phó với dịch bệnh thì tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 xảy ra ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10 trong số 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khiến nhiều diện tích lúa bị mất trắng; cây ăn quả, rau màu, thủy sản cũng chịu thiệt hại nặng nề…

Tiếp đó là đến thời điểm miền Trung căng mình chống lũ, bão, sạt lở đất. Từ đầu tháng 10-2020, các đợt lũ bão bắt đầu ập vào khúc ruột miền Trung. Lượng mưa lớn đổ dồn về khu vực, khiến nhiều địa phương bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn. Đây được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, đặt mức báo động IV, thuộc về cấp thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị tàn phá nặng nề, nhất là tại các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi - những địa phương vốn trước đó là điểm nóng của dịch Covid-19 đợt hai tại Việt Nam.

Trận lũ lịch sử khiến sản xuất nông nghiệp bị tàn phá nặng nề
Trận lũ lịch sử khiến sản xuất nông nghiệp bị tàn phá nặng nề

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận, là trong mỗi thời điểm gian nan, ngành nông nghiệp lại tìm ra hướng thích nghi và phát triển hữu hiệu. Trước thách thức kép là thiên tai và dịch bệnh, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: Muốn vượt qua thách thức kép, nhất định toàn ngành phải có giải pháp kép, là tiếp tục tăng trưởng; bảo đảm mục tiêu xuất khẩu và an sinh xã hội.

Theo chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, các địa phương ổn định sản xuất thông qua việc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng nhằm hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, thanh long, sầu riêng, chanh leo… Trong đó chú trọng yếu tố thị trường, nhất là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị.

Đáng mừng, theo số liệu thống kê của Bộ NN và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11-2020 đạt 3,72 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng của nước ta đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 28,05 tỷ USD, giảm 0,2%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 9,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 5,74 triệu tấn với 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Theo thống kê, hiện có tám nhóm, mặt hàng nông sản xuất khẩu hơn một tỷ USD; trong đó có bảy nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn hai tỷ USD (cà-phê 2,5 tỷ USD, gạo 2,85 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, rau quả đạt 3,0 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD). Dự kiến năm 2020, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5 đến 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu Đông - Nam Á về xuất khẩu nông sản.

Ngành nông nghiệp năm 2020: Vươn mình trong gian khó, thích nghi để phát triển - Ảnh 1

Trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh liên tiếp, những thành quả này trở thành dấu ấn của toàn ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để nền kinh tế chung của cả nước giữ được mức tăng trưởng dương. Mức tăng trưởng đó cũng thể hiện rõ nét khả năng thích nghi và ứng phó của các ngành hàng nông nghiệp nước ta trong điều kiện xuất khẩu nông sản gặp vô vàn khó khăn. Đó là việc Bộ NN& PTNT tích cực triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và công bố mở cửa giao thương lại bình thường. Chính vì vậy, dù có sụt giảm nhưng thị trường Trung Quốc vẫn đứng vị trí đầu về nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ còn tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước; tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất để đưa khả năng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lên mức cao nhất có thể.

Cùng với nỗ lực, phát huy tốt nhất vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong nhiều thời điểm của ngành nông nghiệp nói riêng và cả nước nói chung, năm 2021 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển tiếp sang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và 10 năm tới với các mục tiêu và định hướng lớn mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ thông qua. Việc nhận diện những khó khăn, thách thức cũng như những cơ hội và đề ra các giải pháp phù hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa đất nước vượt qua những khó khăn, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo./.

Dinh Vũ