Ngành trà bước vào cuộc đua mới – Phát triển trà đặc sản

Ngành trà Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, khi cuộc đua mới bắt đầu với sự tập trung vào phát triển trà đặc sản. Với sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ trà chất lượng cao trên toàn cầu, việc khẳng định vị thế của trà Việt Nam thông qua các sản phẩm đặc trưng đang trở thành một xu hướng tất yếu.

Từ sự lên ngôi của trà sữa đậm vị

Ngành trà bước vào cuộc đua mới – Phát triển trà đặc sản - Ảnh 1

Phúc Long ra đời năm 2005, đã tiên phong trong việc mang đến hương vị trà đậm đà, khác biệt so với thị trường trà sữa ngọt ngào thời bấy giờ. Với cách pha chế độc đáo, sử dụng trà hãm đặc và cần sục để tạo bọt, cùng nguồn nguyên liệu chất lượng, Phúc Long đã tạo nên một hương vị trà sữa khác biệt, đậm đà hơn hẳn so với thị trường lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, trà sữa đậm vị của Phúc Long có phần "lệch nhịp" với thị hiếu của người tiêu dùng, khi mà trà sữa ngọt ngào, nhiều topping của các thương hiệu nước ngoài đang làm mưa làm gió.  

Mãi đến khoảng năm 2022, khi thị trường trà sữa trở nên bão hòa, người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, trà đậm vị mới thực sự lên ngôi. Phúc Long với sự hậu thuẫn của Masan, đã nhanh chóng mở rộng quy mô và trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu xu hướng này. 

Cùng với Phúc Long, Phê La cũng góp phần tạo nên cơn sốt trà đậm vị. Với slogan "Chúng tôi bán Ô Long Đặc Sản", Phê La đã thành công trong việc đưa trà ô long đặc sản Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng.

La Boong (thuộc Công ty TNHH La Boong Việt Nam), thương hiệu trà ô long mới ra đời năm 2023, đã nhanh chóng mở rộng với gần 100 cửa hàng trên toàn quốc. Với mô hình kinh doanh tinh gọn, giá cả hợp lý và sản phẩm chất lượng, La Boong đang dần khẳng định vị thế trên thị trường trà sữa.

Ông Vũ Việt Anh - người sáng lập chuỗi trà sữa La Boong gây chú ý khi cho biết tốc độ tăng trưởng của chuỗi hiện đạt 30%/năm giữa bối cảnh ngành F&B đang gặp rất nhiều khó khăn và hơn 30.000 hàng quán phải đóng cửa chỉ trong 6 tháng đầu năm.

Trước đây, La Boong đặt mục tiêu đạt mốc 100 cửa hàng vào cuối năm 2024 nhưng chỉ đến cuối tháng 8 vừa qua, chuỗi đã đạt được con số 121 cửa hàng trên toàn quốc. Một trong những lý do hỗ trợ cho sự phát triển này là nguyên liệu chính - trà ô long ổn định, không bị tăng "nóng" như cà phê. "Trà ô long thị trường chính là xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) nhưng năm nay thị trường này khó khăn nên các doanh nghiệp (DN) sản xuất trà chuyển hướng sang bán trong nước" - ông Việt Anh giải thích.

Đại diện La Boong cũng cho biết trước đây, người Việt thường chuộng trà Thái Nguyên với đặc trưng "tiền chát hậu ngọt" nhưng giới trẻ ngày càng chuộng trà có hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu, thoang thoảng mùi thơm của trái cây, có vị chát dịu nhẹ, ngọt hậu. Do đó, La Boong chọn trà ô long tại vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) để đáp ứng gu tiêu dùng mới và áp dụng mô hình kinh doanh tối ưu chi phí để có giá bình dân.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, sản phẩm trà tiêu dùng nội địa hiện nay chủ yếu là trà xanh và các sản phẩm sản xuất từ trà Shan Tuyết rừng. Mức tiêu dùng trà trong nước tăng dần từ 40.000 tấn vào năm 2018 lên khoảng 50.000 tấn năm 2023. Giá bán các sản phẩm trà trong nước cũng đang cao hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu, bình quân khoảng 200.000 đồng/kg vào năm 2023. "Thị trường nội địa đã và đang mang lại thu nhập cao cho người làm trà, nhất là các loại trà chất lượng cao" - Hiệp hội Chè Việt Nam nhận xét.

Đến đẩy mạnh phát triển trà đặc sản

Ngành trà bước vào cuộc đua mới – Phát triển trà đặc sản - Ảnh 2

Thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2018 - 2023, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 125.000 - 140.000 tấn trà, mang về kim ngạch từ 220 - 240 triệu USD/năm. Một số DN phát triển được sản phẩm cao cấp với giá từ 15.000 USD đến trên 50.000 USD/tấn nhưng chiếm tỉ trọng thấp. Tuy nhiên, giá trà xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ đạt 1.700 - 1.800 USD/tấn do trà giá thấp chiếm tỉ trọng lớn. Cụ thể, có đến 90% trà hái bằng máy không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Còn theo cập nhật từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 8 tháng đầu năm, xuất khẩu trà ước đạt 92.280 tấn, với trị giá 162,01 triệu USD, tăng khoảng 30% về giá trị lẫn sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường truyền thống như Iran tăng đột biến 2.723,5% và Trung Quốc tăng 239,5%.

Ông Nguyễn Đăng Bền, nhà sáng lập thương hiệu Thạch Cổ Trà (thuộc Công ty CP Đầu tư IGV Group), thông tin doanh thu ngành trà Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm trà xanh và hồng trà, là những thức trà có giá trị thấp nên doanh thu của ngành thấp và người sản xuất không có lợi nhuận cao. Ngoài ra, đa số trà Việt Nam hiện nay dùng phương pháp diệt men nên chỉ sử dụng được 3-6 tháng, sản phẩm sau khi mở bao bì bị giảm hương và vị. Do đó, ông đã chọn hướng đầu tư vào đặc sản trà cổ thụ trong rừng nguyên sinh và được chế biến trong vòng 5 giờ sau khi thu hoạch bằng phương pháp lên men giúp trà để càng lâu càng có giá trị. "Trung Quốc đã rất thành công với trà Phổ Nhĩ và thị trường trà đặc sản này của Trung Quốc có giá trị lên đến 35 tỉ USD/năm. Và đây là sản phẩm có tỉ trọng lợi nhuận cao hơn so với các dòng trà đặc sản khác vì không chỉ được mua sắm để sử dụng ngay mà còn được mua để sưu tầm, đầu tư bởi sản phẩm để càng lâu giá lại càng tăng" - doanh nhân này lý giải.

Nhà sáng lập thương hiệu Thạch Cổ Trà cũng tin rằng thị trường trà Việt Nam có thể đạt đến quy mô 3,5 tỉ USD/năm dựa vào dân số 100 triệu dân với nhiều tương đồng với thị trường Trung Quốc. Không chỉ tiêu dùng nội địa, trà đặc sản còn có thể xuất khẩu mang về ngoại tệ lớn. "Để làm được điều này cần bảo vệ, chăm sóc và bảo tồn những rừng trà cổ thụ nguyên sinh độc đáo của Việt Nam mà chỉ có 5 nước trên thế giới đang sở hữu là: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan" - ông Bền nói.

Ông Phạm Vũ Khánh, Chủ tịch Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (thương hiệu trà Shanam), thông tin diện tích trà cổ thụ của Việt Nam khoảng 20.000 ha, được xem là lớn nhất trên thế giới. Trà cổ thụ có giá trị kinh tế cao nhờ có nhiều dược tính quý, giá bán sản phẩm sau chế biến có thể từ 2,5 - 25 triệu đồng/kg và DN còn có chính sách bảo hành đến 10 năm cho một số dòng sản phẩm. Sau khi thành công tại thị trường phía Bắc, công ty ông đang "Nam tiến" và hướng vào phân khúc quà tặng cao cấp.

Không chỉ bán sản phẩm, các DN còn kết hợp với ngành du lịch để tạo điểm đến cho du khách, cải thiện sinh kế cho đồng bào vùng nguyên liệu trà Shan tuyết độc đáo này.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định trà là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 với định hướng về diện tích khoảng 120.000 - 150.000 ha. Đối với diện tích trà Shan tuyết cổ thụ tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn... tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo tồn nguồn gien, tổ chức sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm.