Nghệ An: Tập trung khai thác thị trường xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc

Nhận thấy thị trường Nhật Bản – Hàn Quốc đang có nhu cầu về các sản phẩm như thực phẩm chế biến, nông thuỷ sản, trái cây, thức ăn chế biến sẵn… tỉnh Nghệ An đang tập trung khai thác hai thị trường này nhằm góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Nhà máy may mặc của Nhật tại Nghệ An.
Nhà máy may mặc của Nhật tại Nghệ An.

Nghệ An là địa phương có thế mạnh về xuất khẩu, khi là tỉnh xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, xếp thứ 28/63 trên cả nước trong năm 2022, năm 2023 tiếp tục giữ vững độ tăng trưởng.

Theo số liệu từ sở Công thương Nghệ An thì trong năm 2022 đạt 2,54 tỷ USD , tăng 4,56% so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo dự báo xuất khẩu năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn như các mặt hàng xuất khẩu chủ lực dệt may, giày da, nông sản,… do nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm. Vì vậy, Nghệ An đang hướng tới những thị trường còn nhiều dự địa như Nhật Bản, Hàn Quốc để nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.

Nhận thấy các nước này đang có nhu cầu cao về các sản phẩm như thực phẩm chế biến, nông thuỷ sản, trái cây, thức ăn chế biến sẵn, đồ thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, đồ dùng đựng thực phẩm và sản phẩm tạp hóa,… nên việc tập trung khai thác các mặt hàng này hướng tới xuất khẩu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân.

Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là 2 nền kinh tế lớn của Châu Á và cũng là đối tác lớn của Việt Nam, tỉnh Nghệ An đang có những giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sang 2 thị trường này.

Trên cơ sở các Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và mới đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, quan hệ thương mại giữa tỉnh Nghệ An và Nhật Bản trong thời gian qua đã có những bước tiến cả về kim ngạch lẫn cơ cấu sản phẩm. Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại 2 nước Việt Nam - Nhật Bản. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An còn có quan hệ “kết nghĩa” với một số tỉnh của Nhật Bản (JiFu), thành phố Vinh (Nghệ An) và Kasumigaura (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản)… sẽ càng tạo tiền đề cho sự hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Hiện tại, ở Nghệ An với khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có 9 doanh nghiệp FDI, sẽ tạo nên sự tin tưởng trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp của Nhật. Kim ngạch xuất khẩu giữa Nghệ An sang Nhật không ngừng tăng cả về kim ngạch, mặt hàng, số lượng doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Có 15 doanh nghiệp Nghệ An và doanh nghiệp Nhật Bản tại Nghệ An xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản.

Được biết, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu Nghệ An sang Nhật Bản đạt hơn 30 triệu USD. Các mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, tinh bột đá, nước hoa quả, thuỷ sản chế biến...

Về nhập khẩu, các doanh nghiệp Nghệ An nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, máy móc thiết bị, thép các loại... với tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 25 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản của Nghệ An hiện nay xếp thứ 7, sau các quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Đài Loan và Thuỵ Sĩ. Có thể thấy kim ngạch xuất khẩu sang Nhật tuy chưa lớn nhưng các doanh nghiệp của Nhật đã coi Nghệ An là một điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Riêng Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Nghệ An trong nhiều năm qua, là đối tác thương mại lớn thứ 2 sau Trung Quốc, cũng là thị trường xuất, nhập khẩu lớn thứ 3 sau Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) của Nghệ An. Tại thị trường này, Nghệ An cũng đã có hơn 54 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với các nhóm hàng như: hàng dệt may, thiết bị linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày...

Với mục đích đẩy mạnh quan hệ thương mại Nghệ An - Hàn Quốc, vừa qua Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đề xuất xây dựng cơ chế trong việc cung cấp, trao đổi thông tin nhằm tìm hiểu về văn hóa, tình hình đầu tư, thương mại giữa hai bên. Cùng với đó, hiện có rất nhiều công dân của các nước châu Á; trong đó có Việt Nam sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc bởi vậy nhu cầu sử dụng hàng hóa xuất xứ Việt Nam rất cao. Nhiều sản phẩm của Việt Nam được người dân Hàn Quốc ưa chuộng, như phở, mỳ… Tới đây, sau các cuộc làm việc, kết nối cung - cầu xuất, nhập khẩu, hy vọng hàng hoá Nghệ An sẽ có mặt nhiều hơn ở thị trường Hàn Quốc.

Diễm Phước