Nghệ thuật pha trà và văn hoá uống trà của người Việt

Uống trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Với những nghi thức pha chế công phu, mỗi tách trà không chỉ là thức uống, mà còn là sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, mang đậm giá trị văn hóa và tâm linh.

Từ bao đời nay, người Việt Nam đã xem việc uống trà như một thú tao nhã, không chỉ để giải khát mà còn là cách bày tỏ sự tinh tế và lòng hiếu khách. Mỗi chén trà không đơn thuần là thức uống, mà còn mang theo cả tâm tình của người pha, sự giao hòa với đất trời, và tinh hoa của văn hóa dân tộc.

Người Việt vốn coi uống trà như thú tao nhã, pha trà để uống hoặc mời khách cũng chăm chút công phu.

Nghệ thuật pha trà và văn hoá uống trà của người Việt - Ảnh 1

Pha trà là một nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Người xưa thường sử dụng những loại trà cụ bằng tre hoặc gỗ thơm để xúc trà, lấy bã trà, nhằm giữ nguyên hương vị tự nhiên. Khi pha trà, mỗi công đoạn đều có ý nghĩa riêng. Từ việc tráng trà với nước sôi để làm sạch bụi bẩn, cho đến các thao tác “cao sơn trường thủy” và “hạ sơn nhập thủy” để giữ được hương vị trọn vẹn của trà.

Khi pha trà, mỗi công đoạn đều có ý nghĩa riêng.
Khi pha trà, mỗi công đoạn đều có ý nghĩa riêng.

Một ấm trà ngon phải hội tụ đủ bốn yếu tố: nước, trà, cách pha và ấm pha. Nước mưa hoặc nước sương đọng trên lá sen buổi sớm được xem là tinh khiết nhất để pha trà. Ấm gốm được dùng để pha trà mộc, trong khi ấm sứ lại phù hợp hơn với trà thanh hương như trà sen hay trà lài. Khi trà đã chín, việc rót trà cũng mang ý nghĩa lễ nghi, với động tác “Tam long giá ngọc” thể hiện sự kính trọng giữa người pha và người uống.

Mỗi loại trà Việt mang một hương vị và phong cách thưởng thức riêng. Trà mộc, hay còn gọi là trà nguyên thủy, giữ trọn vị hậu ngọt và chân thật của trà. Trà thanh hương như trà sen, trà lài, hay trà bạch ngọc lại quyến rũ với hương thơm dịu nhẹ, đặc biệt thích hợp cho những mùa nhất định: trà sen vào mùa hạ, trà lài cho những đêm thu thanh vắng.

Mỗi loại trà Việt mang một hương vị và phong cách thưởng thức riêng.
Mỗi loại trà Việt mang một hương vị và phong cách thưởng thức riêng.

Người sành trà không uống trà như một thói quen vội vã. Chén trà phải được nhấp từng ngụm nhỏ, hương trà thấm qua từng giác quan, từ vị giác, khứu giác đến tâm hồn. Trà ngon là khi uống vào, vị ngọt lan tỏa ở cổ họng, hương thơm đọng lại trong ký ức, gợi lên cảm giác thanh tịnh và thư thái.

Không gian uống trà của người Việt không ồn ào, náo nhiệt. Đó là những nơi thanh lịch, yên bình, thường được kết hợp với hương trầm hay những cuốn sách hay. Phong cách uống trà đa dạng, từ độc ẩm (uống một mình) để chiêm nghiệm, đối ẩm (hai người) để sẻ chia, cho đến quần ẩm (nhiều người) để kết nối tâm giao.

Thú uống trà không chỉ dừng lại ở sự tận hưởng, mà còn là văn hóa ứng xử, thể hiện nét đẹp của người Việt. Người pha trà thể hiện sự tinh tế qua từng thao tác, người uống trà thể hiện sự tôn trọng qua từng cử chỉ. Đây chính là biểu hiện của văn hóa giao tiếp, tôn trọng lẫn nhau, và cũng là cách để gắn kết tình thân.

Người Việt không chịu ảnh hưởng bởi các phong cách uống trà của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thay vào đó, văn hóa uống trà Việt mang đậm nét riêng, hòa quyện giữa đời sống thường nhật và yếu tố tâm linh. Một chén trà thơm lừng, một câu chuyện bên bàn trà, mọi người xích lại gần nhau hơn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những câu chuyện đời thường.

Trải qua hàng nghìn năm, văn hóa trà đã trở thành biểu tượng của tâm hồn Việt. Một ấm trà không chỉ là món quà của thiên nhiên, mà còn là tinh hoa của nghệ thuật, lễ nghi, và sự giao thoa giữa con người với đất trời. Nhấp một ngụm trà, ta không chỉ cảm nhận được vị ngon của trà, mà còn cảm nhận được cả sự tinh tế và tình yêu thương đọng lại trong từng chén trà thơm.

Tâm Ngọc

Từ khóa:
#h