Nghệ thuật “phục kích” và tạo dấu ấn của các thương hiệu

Trong thế giới tiếp thị đầy cạnh tranh, Ambush Marketing – hay còn gọi là marketing phục kích nổi lên như một chiến lược táo bạo, sáng tạo và đầy sức hút. Không chỉ tận dụng sự chú ý từ các đối thủ, các chiến dịch này còn biến những cuộc đối đầu thành màn trình diễn “cà khịa” khéo léo, khiến công chúng thích thú và không ngừng bàn tán.

Ambush Marketing là gì?

Ambush Marketing là chiến lược mà một thương hiệu tận dụng sự kiện, chiến dịch hoặc nội dung quảng cáo của đối thủ để nâng cao mức độ nhận diện của mình. Điều này thường thấy ở các thương hiệu cùng ngành, chẳng hạn như đồ uống, thức ăn nhanh hay công nghệ. Những màn “cà khịa” qua TVC, OOH (quảng cáo ngoài trời) hay các bài đăng mạng xã hội thường tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của cả truyền thông và người tiêu dùng.

Không chỉ đơn thuần là đấu đá, Ambush Marketing khai thác tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) và niềm yêu thích drama của công chúng. Những câu chuyện “đá xéo” vừa tạo sự tò mò vừa khiến thương hiệu trở nên gần gũi hơn, đặc biệt là đối với giới trẻ - những người luôn tìm kiếm sự mới mẻ và sáng tạo.

Nghệ thuật “phục kích” và tạo dấu ấn của các thương hiệu  - Ảnh 1

Những “cuộc chiến” nổi bật toàn cầu

Samsung và Apple: Kỳ phùng địch thủ

Samsung từ lâu đã nổi tiếng với các chiến dịch công khai "cà khịa" Apple. Năm 2017, chiến dịch “Upgrade to a Samsung Galaxy Note 8” đã chỉ trích giao diện “tai thỏ” của iPhone, cùng với đó là các quảng cáo chê bai tốc độ và hiệu năng của thiết bị Apple. Samsung còn gây chú ý với việc sáng tạo lại slogan của Apple.

 

Năm 2020, khi Apple ra mắt iPhone 12, Samsung đã nhanh chóng biến tấu khẩu hiệu “Think Different” thành “Think Bigger” và “One More Thing” thành “One More Screen” để quảng bá màn hình gập của Samsung Galaxy Z Fold 2. Đỉnh điểm, vào năm 2022, Samsung đặt biển quảng cáo tại các thành phố lớn với nội dung shoot 8K– trực tiếp nói đến việc Apple chưa ra mắt tính năng tương tự.

Nghệ thuật “phục kích” và tạo dấu ấn của các thương hiệu  - Ảnh 2

McDonald’s và Burger King: Màn đấu khẩu không hồi kết

Cuộc chiến quảng cáo giữa McDonald’s và Burger King là một trong những ví dụ kinh điển của Ambush Marketing. Năm 2018, chiến dịch “Whopper Detour” của Burger King đã gây bão khi người dùng đến check-in gần cửa hàng McDonald’s sẽ được mua Whopper chỉ với 1 cent.

Halloween 2016, Burger King còn “chơi lớn” khi hóa trang cửa hàng thành... một bóng ma McDonald’s. Thông điệp đính kèm: “BOOOOO! Đùa thôi, chúng tôi vẫn bán Burger nhé. Halloween vui vẻ!”. Không chịu thua, McDonald’s cũng phản công với khẩu hiệu: “Served by a king, or served as a king?” (Phục vụ bởi nhà vua, hay phục vụ như vua?). Burger King đáp lại với câu chốt hạ: “Why try to roast when you can’t even flame grill?” (Tại sao cố nướng vỉ khi bạn không thể nướng bằng lửa?), nhấn mạnh công nghệ nướng lửa đặc trưng của mình.

Chiến dịch OOH “The Scariest BK” của Burger King nhằm chơi khăm Mc Donald’s trong dịp Halloween 2016
Chiến dịch OOH “The Scariest BK” của Burger King nhằm chơi khăm Mc Donald’s trong dịp Halloween 2016

Câu chuyện tại Việt Nam

Milo và Ovaltine: Nhà vô địch hay niềm vui?

Ở Việt Nam, màn “đấu khẩu” giữa Milo và Ovaltine đã trở thành biểu tượng của Ambush Marketing. Milo định vị mình dành cho các “nhà vô địch tương lai” trong khi Ovaltine lại nhấn mạnh “Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích”.

Năm 2018, Ovaltine tung ra bộ ảnh quảng cáo với trẻ em tự do vui chơi, đối lập với hình ảnh trẻ em thi đấu của Milo. Dù không nhắc tên đối thủ, màu xanh lá trong ảnh đã ngầm chỉ thương hiệu Milo, khiến công chúng lập tức chú ý.

Màn cạnh tranh quảng cáo giữa Ovaltine và Milo
Màn cạnh tranh quảng cáo giữa Ovaltine và Milo

Maycha và Đậu Má Mix: Đối thủ kề vai, cà khịa đối đầu

Hai thương hiệu trà sữa này đã có màn “đấu khẩu” cực sáng tạo khi cùng đặt biển quảng cáo đối lập ngay cạnh nhau. Đậu Má Mix hỏi: “Uống trà sữa hoài không sợ mập hả?”, Maycha đáp lại: “Mập thì chưa chắc, mà chắc chắn ngon!”.

Trên mạng xã hội, cả hai thương hiệu tiếp tục tung chiêu “đá xéo” qua lại, tạo nên album ảnh và các bài đăng mang tính tương tác cao, thu hút hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ.

Màn đấu khẩu đã giúp hai thương hiệu trở nên viral
Màn đấu khẩu đã giúp hai thương hiệu trở nên viral

Lợi ích và rủi ro

Ambush Marketing mang lại nhiều lợi ích nổi bật, đặc biệt trong việc tăng cường độ nhận diện và khẳng định cá tính thương hiệu. Nhờ sự sáng tạo và sắc sảo, các chiến dịch này không chỉ thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ truyền thông và người tiêu dùng mà còn giúp thương hiệu tạo ra hiệu ứng lan truyền tự nhiên. Điều này giúp tiết kiệm chi phí quảng cáo trong khi vẫn đạt được độ phủ sóng lớn. Ngoài ra, những màn “cà khịa” thông minh còn tạo cảm giác gần gũi, thú vị, giúp thương hiệu khắc sâu vào tâm trí công chúng, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng yêu thích sự sáng tạo và hài hước.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được triển khai cẩn thận. Việc thể hiện quá đà hoặc thiếu tinh tế có thể gây phản cảm, làm tổn hại hình ảnh của cả hai thương hiệu, thậm chí gây mất lòng tin từ khách hàng. Không những thế, những chiến dịch sao chép hoặc sử dụng ý tưởng gần gũi với đối thủ mà không đảm bảo tính hợp pháp dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý và phản ứng tiêu cực từ dư luận. Vì vậy, để Ambush Marketing mang lại hiệu quả tối đa, thương hiệu cần chú trọng cân bằng giữa sự sáng tạo và tính chuyên nghiệp, đồng thời đảm bảo tôn trọng các chuẩn mực pháp lý.

Ambush Marketing không chỉ là chiến lược quảng bá mà còn là nghệ thuật kể chuyện hiện đại. Những màn “cà khịa” thông minh không chỉ khuấy động thị trường mà còn giúp thương hiệu ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng. Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, đây chính là vũ khí mà các thương hiệu không thể bỏ qua để vừa tạo tiếng vang vừa tăng cường kết nối với khách hàng.

Nguyễn Mai

Từ khóa: