Trước đây, trung bình mỗi năm Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Cường (Sơn La) thường sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên 100 tấn chè búp khô. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên Công ty mới sản xuất, chế biến được gần 40 tấn. Về sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính của Công ty (như trà lắc, trà ô long, chè đen…) giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù đã có mặt tại 2.800 siêu thị ở 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, siêu thị phải tạm thời đóng cửa khiến việc tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm, Công ty chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn tái sản xuất.
Cụ thể, đối với các dòng sản phẩm của Công ty đều được khuyến mại, giảm giá từ 15-30%. Bên cạnh đó, Công ty cũng cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đơn cử, hiện nay, Công ty đang tập trung phát triển sản phẩm trà lắc, được làm dưới dạng túi lọc, thành phần gồm có chiết xuất diệp lục tố trà xanh, có bổ sung cỏ ngọt, cát sâm, mật ong…
Trà lắc rất tiện lợi, dễ sử dụng, không cần pha nước nóng mà thả túi lọc vào cốc nước lạnh, sau đó lắc đều là có thể sử dụng với hương vị đặc trưng nên hiện đang được giới trẻ rất ưa chuộng. Ngoài các kênh phân phối truyền thống là hệ thống siêu thị, Công ty còn mở các điểm bán trà lắc trên đường phố, cạnh các khách sạn, trung tâm thương mại để quảng bá sản phẩm.
Chị Trần Thị Hồng, ở thôn Trung Tín, xã Yên Khê có gần 1ha chè kinh doanh, vụ thu hái này gia đình thu được hơn 4 tấn chè búp tươi. Mặc dù vậy do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá thu mua đã bị rớt giá xuống mức thảm hại, chỉ còn 18.000 đến 21.000 đồng/kg, giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ này của năm trước.
Gia đình chị Phan Mai Anh, thị trấn Hát Lót, người đã từng gắn bó với cây chè gần 20 năm qua cũng rơi vào cảnh tương tự, 5 sào chè của gia đình chị đã không cho lãi mà còn bị thua lỗ nặng. Chị cho biết, trong vụ mùa này Chị đã đầu tư 3 triệu đồng/1 sào chè nhưng chỉ thu được 4 triệu đồng, chưa trừ tiền thuê nhân công thu hái.
“Không những giá chè thấp mà các cơ sở thu mua chè cũng giảm đi, nếu thu hoạch không kịp thì chè sẽ quá lứa ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây chè. Trong khi giá chè thấp tiền thuê phương tiện thu hái lại cao, 1 tấn mất 7.00.000 tiền công hái" - chị Mai Anh bộc bạch.
Không chỉ riêng chị Hồng, chị Mai Anh mà đó là tình cảnh chung của người dân trồng chè ở huyện miền núi hiện nay, chủ yếu ở các xã Yên Khê, Hát Lót... Riêng xã Yên Khê là một trong những xã trồng chè trọng điểm của huyện Con Cuông, toàn xã đã có 100 ha chè kinh doanh. Chính quyền xã cũng đã phối hợp với Xí nghiệp chè Con Cuông để tìm đầu ra cho người dân. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thu mua chè của người dân gặp khó khăn, giá cả giảm mạnh.
Toàn huyện Con Cuông hiện có gần 400 ha chè kinh doanh, trong đó 300 ha đã cho thu hoạch; tập trung ở các xã như: Yên Khê, Chi Khê. Thời điểm này chè đang vào vụ thu hoạch đại trà nhưng giá cả thu mua giảm mạnh. Chè là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Con Cuông và là một trong những loại nông sản bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19 khi phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp thu mua ngoài tỉnh và xuất khẩu nước ngoài. Điều đó khiến việc xuất khẩu chè trên địa bàn Con Cuông gặp khó khăn.
“Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có huyện Con Cuông và đặc biệt là người dân trồng chè. Chính quyền địa phương kiến nghị với nhà máy chè cần sớm tìm hướng tháo gỡ, thu mua bao tiêu sản phẩm cho người dân đảm bảo về giá cả" - ông Lô Văn Lý, trưởng phòng NN-PT&NT huyện Con Cuông cho biết.
Cây chè đang là cây xóa đói, giảm nghèo, là cây trồng chủ lực của nhiều người dân ở huyện miền núi Con Cuông nói riêng, các địa phương thuộc miền núi phía bắc nói chung. Tuy nhiên thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid 19, giá cả thu mua giảm mạnh đã ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân trồng chè nơi đây. Tin rằng sau khi hết dịch bệnh giá cả thu mua chè của người dân sẽ ổn định trở lại đảm bảo đời sống của người dân.
Di Linh