Nhạc sĩ Đoàn Bổng sinh năm 1943 tại làng Kiều Thị, xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Năm 1949, thực dân Pháp tràn về làng Kiều Thị đốt phá, xây dựng đồn bốt, Đoàn Bổng cùng gia đình tản cư về làng Nghiêm Xá (huyện Thường Tín) và sinh hoạt hàng ngày trong đội nhi đồng ở đó.
Cuộc đời gắn liền với âm nhạc
Thời gian tản cư ở làng Nghiêm Xá, có anh đội trưởng đội du kích thường hay rủ Đoàn Bổng cùng đánh trống ếch. Anh đánh trống cái, còn Đoàn Bổng đánh trống con. Tại đây, Đoàn Bổng thường hay được nghe các anh chị thanh niên hát những lời ca cách mạng.
Đầu năm 1951, Đoàn Bổng theo bố ra Hà Nội, ông cụ mở hiệu thuốc bắc ở phố Bạch Mai. Đoàn Bổng theo học trường tiểu học Công Ích, rồi trường tiểu học Mai Sơn (cuối phố Bạch Mai). Ngày học ở trường Mai Sơn, cứ mỗi lần nhà trường tổ chức khai giảng, bế giảng, thầy giáo lại cho gọi Đoàn Bổng lên hát trước micro. Và sau khi hát thường được thưởng những tràng pháo tay nhiệt tình mến mộ của các bạn học sinh trong trường.
Bước vào lớp 8, Đoàn Bổng học trường Đoàn Kết III và lao vào hoạt động văn nghệ suốt 3 năm học, làm ủy viên văn nghệ lớp, ủy viên văn nghệ trường. Đoàn Bổng cũng theo học lớp hát dân ca chèo (lớp 2 tháng) để về dạy lại cho các bạn học sinh trong trường, được cô giáo phụ trách văn nghệ trường rất “cưng”. Tham gia hát, ngâm thơ, làm thơ, viết và trang trí báo tường, dạy hợp xướng; viết và dựng kịch bản thơ cho lớp (vở kịch Bất Khuất, nói về Lý Tự Trọng), chấp bút, đóng vai trong hài kịch dự thi các trường phổ thông cấp III của Hà Nội: “Câu chuyện ngày thứ bảy”; là cộng tác viên của Hội văn nghệ Hà Nội, dự một số buổi tọa đàm, bình thơ do Hội văn nghệ tổ chức. Trong vở kịch “Bất Khuất”, Đoàn Bổng đóng vai Lý Tự Trọng; vở kịch “Câu chuyện ngày thứ bảy”, Đoàn Bổng đóng vai quan huyện.
Tháng 11/1966, Đoàn Bổng vào học Trung cấp sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Lớp của Đoàn Bổng gồm có: Đoàn Bổng, Phó Đức Phương, Tân Xô Lực, Trần Ngạn, Hùng Thế, Ngô Hồng Kỳ, tứ xứ hợp lại. Vào năm học mới, Đại hội Đoàn, Đoàn Bổng trúng cử Bí thư, Phó Đức Phương là ủy viên Ban chấp hành. Vài năm sau, Đoàn Bổng chuyển lên học Đại học sáng tác âm nhạc.
Sau khi ra trường, Đoàn Bổng nhận công tác tại Đài Giải phóng và được đồng chí Trưởng phòng Văn nghề Lê Khánh Căn (là chồng nghệ sĩ, ca sĩ Tân Nhân) giới thiệu về làm việc trong tổ dân ca nhạc cổ. Công việc cụ thể là: Đặt người viết lời cho một số làn điệu dân ca Nam Bộ, Khu V, Huế, Tây Nguyên, rồi tổ chức phối khí. Có bài Đoàn Bổng trực tiếp phối, có bài nhờ anh em cộng tác cùng phối. Đoàn Bổng làm việc say mê, miệt mài. Những bài dân ca do cộng tác viên đặt lời mới gửi tới, Đoàn Bổng sửa lại cho hợp lý rồi đưa cho Lê Khánh Căn ký duyệt. Làm việc tại Đài Giải Phóng, nhạc sĩ Đoàn Bổng rất được tín nhiệm.
Về sau nhạc sĩ Đoàn Bổng chuyển về công tác tại Đài truyền hình Trung ương (từ năm 1987 đổi tên thành Đài truyền hình Việt Nam). Nhạc sĩ Đoàn Bổng trực tiếp làm công việc biên tập các chương trình ca múa nhạc, thỉnh thoảng lại đi thực tế sáng tác ca khúc nói về những thành quả lao động của anh chị em công nhân các nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, trường học…
Tác phẩm thu đầu tiên ở Đài tiếng nói Việt Nam đã gây tiếng vang, chiếm lĩnh được cảm tình của đông đảo thính giả. Nhiều người đã viết thư yêu cầu phát lại trong các chương trình ca nhạc theo thư yêu cầu của thính giả, và phát đi phát lại nhiều lần cho thính giả của Việt Nam ở nước ngoài. Đó là bài hát “Dòng nước ân tình”, do nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền thu băng đầu tiên và ca sĩ trẻ Xuân Thanh (vợ nghệ sĩ Piano Tôn Thất Triêm) thu băng thứ hai. Tác phẩm này viết năm 1968, thu băng vào tháng 7/1974, đó là ca khúc trữ tình, giàu màu sắc dân ca. Tiếp theo sau đó là rất nhiều những ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Bông đã được thu thanh, phát sóng phục vụ đông đảo khán thính giả cả nước.
Những đặc điểm riêng
Những đặc điểm riêng biệt trong sự nghiệp âm nhạc và thơ của Đoàn Bổng, đó là: Âm nhạc giàu tính bác học và giàu màu sắc dân gian; giàu tính trữ tình lãng mạn, nhưng cũng rất tươi trẻ, luôn đi cùng thời đại. Năm 1978, nhạc sĩ Đoàn Bổng viết ca khúc “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, tháng 5/1979 phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam. Bài được yêu cầu phát sóng nhiều lần và trở thành bài hát quen thuộc, được đông đảo nhân dân cả nước mến mộ, đón nhận. Bài viết năm 1978 thì 10 năm sau (1988) tổ máy số 1 thủy điện Hòa Bình trên sông Đà phát sóng.
Bài “Mẹ tôi” viết năm 1984 có câu kết “con xin tăng mẹ bài ca anh hùng” thì 10 năm sau (1994), Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Ca khúc “Hát về Người” (viết năm 1980) có câu mở đầu “Thế giới hát về Người” thì 10 năm sau (1990), năm 1990, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng là tác giả duy nhất trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được dàn nhạc giao hưởng Rouen nước Cộng hòa Pháp trình diễn 3 ca khúc “Hà Nội của tôi (thơ Quốc Toản), “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi” và “Thành phố ngàn năm văn hiến” tại Nhà hát lớn Hà Nội (3/10/2010) và Cung Lao động hữu nghị (5/10/2010).
Tháng 8/2010 bài thơ “Niệm Khúc” của Đoàn Bổng được lãnh đạo Bộ Công an quyết định tạc vào bia đá đặt tại vị trí trang trọng trong khu di tích An ninh khu V, đây là niềm vinh dự lớn trong sự nghiệp thi ca của ông.
Trong bức thư gửi ông Chủ tịch và bà Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trước ngày dàn nhạc giao hưởng Rouen Cộng hòa Pháp sang biểu diễn chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), nhà chỉ huy dàn nhạc giao hưởng người Pháp Claude BRENDEL đã viết: “Các tác phẩm của nhạc sĩ Đoàn Bổng tràn đầy chất thơ và nhạc cảm đã giúp cho công việc của chúng tôi thực hiện được thuận lợi”.
Tác phẩm “Khúc quân ca Trường Sa” là bài hát đặc biệt dành cho các đoàn đại biểu, quý khách mỗi khi lên tàu ra thăm Trường Sa (tiền lệ từ trước đến nay chưa hề có), bắt buộc các đoàn phải học thuộc và thi hát trên tàu.
Chung Thủy