Nhân kỷ niệm Ngày Quyền của người tiêu dùng (15/3): Được bảo vệ và biết tự bảo vệ

Đó là thông điệp cần thường xuyên, bằng mọi cách được lan tỏa đến người tiêu dùng. Trong đó, vai trò của truyền thông luôn mang ý nghĩa quan trọng, quyết định. 

Tính đến nay, đã 41 năm kể từ khi Liên Hợp quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 15/3 là ngày của Người tiêu dùng thế giới (15/3/1983-15/3/2024). Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Hàng năm, nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng sự kiện mang tầm quốc tế này nhằm khẳng định vai trò, vị trí tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hướng tới mục tiêu tiêu dùng lành mạnh. minh bạch, văn minh, bền vững.

Nói đến người tiêu dùng là nói về quan hệ người mua kẻ bán. Họ là đối tác của nhau trong mối quan hệ cung cầu, hữu cơ, nhân quả. Mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, bình đẳng trong giao dịch thương mại, coi trọng đạo đức kinh doanh, văn hóa giao tiếp, ứng xử và luôn chịu sự chi phối của các quy định pháp luật trong nước và quốc tế. Bảo vệ quyền của người tiêu dùng không phải là bênh vực một chiều, chỉ có phía người tiêu dùng mà phải bảo vệ lẽ phải, sự công bằng cho bên mua và bên bán, theo cam kết “thuận mua, vừa bán”.

Nhân kỷ niệm Ngày Quyền của người tiêu dùng (15/3): Được bảo vệ và biết tự bảo vệ  - Ảnh 1

Vẫn biết khách hàng là thượng đế, nhưng là bảo vệ lẽ phải, công bằng, chân lý; bảo vệ giá trị mà người tiêu dùng bỏ ra để mua sản phẩm mình cần đảm bảo chất lượng, tương xứng giá trị. Đương nhiên, không thể bảo vệ bằng mọi giá nếu người tiêu dùng thực hiện sai cam kết, quy định giao dịch. Như thế mới đảm bảo ứng xử bình đẳng cho người bán, nhà cung cấp chuẩn mực nhu cầu toàn diện, đáp ứng cuộc sống của con người. Từ khi nền kinh tế -xã hội nước ta chuyển sang cơ chế thị trường hoạt động trao đổi mua bán mới thực sự tuân theo quy luật khách quan của tự nhiên-xã hội, quy luật cung cầu, hội nhập quốc tế, toàn cầu. Nhiều quốc gia đã hình thành các tổ chức nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong quá trình kinh doanh, bên bán phải có lãi (hiệu quả kinh tế trong kinh doanh). Vì thế, mua rẻ bán đắt, một vốn bốn lời, buôn có bạn, bán có phường, nói thách, mặc cả…được xem là triết lý, văn hóa kinh doanh của giới thương nhân. Đạo đức kinh doanh, giữ chứ tín, buôn bán thật thà…luôn được coi trọng, đề cao. Đó cũng là cách xây dựng chữ TÍN, thương hiệu của mặt hàng, sản phẩm, danh tính doanh nghiệp, con người, tổ chức kinh doanh.Người làm ăn có tầm nhìn chiến lược, giữ tiếng thơm cho đời, gây dựng doanh nghiệp dù ở quy mô nào, nhà nước hay tư doanh đều trụ vững trong mọi hoàn cảnh nếu giữ được tâm thế này.

Có người cả đời buôn bán vài thúng xôi mỗi sáng trên vỉa hè thành phố đủ tiền mua nhà, tậu xe, nuôi con cái nên người. Trong kinh doanh ngoài lấy công làm lãi, vẫn có người kinh doanh trái với lương tâm, chỉ muốn lợi nhuận cao, bất chấp tất cả. Ấy là bán cho người mua sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thương hiệu; buôn bán theo kiểu lừa đảo, chụp giựt… Hơn thế, có những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người, không chuẩn theo quy định của ngành y tế, đang được quảng cáo tràn lan trên nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng sử dụng đã gây tác hại khôn lường (thuốc chữa bệnh đông tây y, thực phẩm chức năng...) Nhiều người lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của mạng xã hội, lợi dụng người có ảnh hưởng (KOL) để đưa các nội dung quảng cáo sai sự thật. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đang chỉ đạo sửa Luật quảng cáo hiện hành vì còn nhiều lỗ hổng, trong đó có trách nhiệm nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo sản phẩm.  

Nội hàm hoạt động bảo vệ tiêu dùng rất rộng lớn, phong phú, phức tạp. Trước hết, kinh doanh ( mua và bán) luôn cần sự minh bạch, thông tin kịp thời, định hướng người tiêu dùng mua sắm, sử dụng sản phẩm khoa học, hợp lý. Mới đây, người tiêu dùng điện ở Hà Nội ồn ào, băn khoăn về cách tính và thu tiền điện của điện lực thành phố. Lý do chỉ là việc thay đổi cách thu chưa được thông tin đầy đủ, kịp thời bị làm nóng vấn đề không đáng có, gây hiểu sai, hiểu lầm ngành điện, ít nhiều ảnh hưởng uy tín của ngành.

Từ khi  mạng xã hội ra đời, đã hình thành trên đó các loại “chợ” để người ta buôn bán mọi loại hàng, trao đổi rất nhiều thông tin thật, giả lẫn lộn. Đã có người bán hàng kiếm tiền trăm, tiền tỷ qua bán hàng online trực tuyến dưới hình thức livestream chỉ trong một vài tiếng đồng hồ. Nền tảng mạng xã hội luôn ẩn chứa cả lợi và hại, tốt và xấu, may mắn và rủi ro ..Kinh doanh trực tuyến đang dần phổ biến, cạnh tranh khốc liệt với kinh doanh truyền thống. Phải thừa nhận sự tiện ích, nhanh chóng của hình thức kinh doanh điện tử, trao đổi buôn bán qua sàn giao dịch điện tử, qua app. Theo đó, cũng không ít rủi ro về độ tin cậy của chất lượng sản phẩm, hình thức mẫu mã, giá thành vì phương thức trao đổi, giao dịch gián tiếp chỉ dựa vào thế chấp lòng tin, tín chấp.

Khi quyền lợi người tiêu dùng bị bên bán xâm hại đến mức phải kiện tụng, tố cáo nhau cần có thêm bên làm trọng tài phân xử đúng, sai. Về góc độ này, thị trường kinh doanh ở nước ta còn ở quy mô nhỏ, thói quen người tiêu dùng chấp nhận, im lặng, thua người bán nếu họ bị lừa còn khá phổ biến. Sự can thiệp của các cơ quan chức năng, tổ chức bảo vệ quyền người tiêu dùng cũng chưa quyết liệt; hình thức xử lý với người bán, cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng vi phạm đạo đức kinh doanh, pháp luật mới dừng ở mức cảnh báo, răn đe, phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục; các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh đến mức người buôn gian, bán lận, gây phương hại lớn người tiêu dùng phải chùn tay, biết sợ pháp luật, rồi từ bỏ ý định kinh doanh sai trái, táng tận lương tâm.

Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về chủ đề bảo vệ quyền người tiêu dùng cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành, có hiệu lực được thực thi trong đời sống, đã phát huy tác dụng, trở thành “chiếc áo” che chắn, bảo vệ quyền người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, so với yêu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng, nhất là quản lý nhà nước, các tổ chức hội chuyên ngành vẫn phải tăng cường bám sát hoạt động thị trường trong và ngoài nước, hoạt động kinh doanh buôn bán hiện tại và tương lai, nhất là khi công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang tham gia thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh; định hướng hỗ trợ, bảo vệ người tiêu dùng để người tiêu dùng: TỈNH TÁO, THÔNG MINH, KHÔN NGOAN.

Hàng rào pháp lý bảo vệ quyền người tiêu dùng ngày một hoàn thiện, song nếu họ không nhận thức, nắm bắt đầy đủ công cụ ấy, chỉ ỷ nại vào người khác thì khó bảo vệ được mình. Người tiêu dùng hãy từ bỏ tư duy chạy theo sản phẩm có giá thành rẻ-“tham bát, bỏ mâm”; mua bán theo phong trào; ngộ nhận bởi hình thức hàng hóa, ngôn từ mời chào; cảnh giác, tỉnh tào trước chiêu trò lôi kéo, chào mời ( mua một tặng một; giảm giá nhiều %; người mua được tặng rất quà “có giá trị” kèm theo…); người bán hàng lưu động không rõ nguồn gốc xuất xứ cả con người, tổ chức cùng sản phẩm, mang hàng đến tận thôn, xóm, làng bản “phục vụ” hết mình và chớp nhoáng rồi biến đi không rõ tung tích. Các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo người tiêu dùng (nhất là người cao tuổi ở nông thôn, vùng xa vùng sâu) thủ đoạn buôn gian bán lận trên song vẫn không ít người rơi vào bẫy xem ra đơn giản. Điều này cho thấy, tự bảo vệ là điểm yếu bộc lộ rõ ở người tiêu dùng. Chúng ta hãy coi tổ chức bảo vệ người tiêu dùng như thầy thuốc, người tiêu dùng phải biết lắng nghe thầy thuốc theo cả hai phương thức phòng và chống. Nếu biết phòng thì chống sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Kỷ niệm ngày Người Tiêu dùng Việt Nam và quốc tế, hẳn nhiên phải đẩy mạnh hơn nữa những thông tin bổ ích đến rộng rãi xã hội về tiêu dùng thông minh; khuyến cáo kịp thời để hạn chế mức thấp nhất việc bị xâm hại quyền lợi chính đáng. Đó cũng là xây dựng xã hội ngày một tiến bộ, công bằng, dân chủ, văn minh.

VĂN HÙNG