Theo báo cáo Triển vọng Lương thực toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ra tháng 11/2021, thương mại lương thực toàn cầu đã tăng tốc và sẵn sàng đạt kỷ lục mọi thời đại cả về khối lượng và giá trị.
Trong khi thương mại lương thực toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể trong bối cảnh gián đoạn do đại dịch COVID-19, giá cả các mặt hàng lương thực và năng lượng tăng nhanh đặt ra những thách thức lớn đối với các nước nghèo hơn và người tiêu dùng, những người dành phần lớn thu nhập cho những nhu cầu thiết yếu cơ bản này.
FAO dự báo hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2021 và vượt qua con số 1,75 nghìn tỷ USD, đánh dấu mức tăng 14% so với năm trước và cao hơn 12% so với dự báo trước đó vào tháng 6/2021. Nhập khẩu lương thực tăng được thúc đẩy bởi mức giá hàng hóa thực phẩm tăng và chi phí vận chuyển tăng gấp ba lần.
Các nước đang phát triển chiếm 40% tổng số và tổng hóa đơn nhập khẩu lương thực dự báo sẽ tăng 20% so với năm 2020. Dự báo tốc độ sẽ tăng trưởng nhanh hơn nữa đối với các nước thiếu hụt lương thực thu nhập thấp, do chi phí cao hơn khối lượng nhập khẩu lương thực cao hơn.
Các khu vực đang phát triển đang phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ về giá các mặt hàng cơ bản như ngũ cốc, mỡ động vật, dầu thực vật và hạt có dầu, trong khi các loại thực phẩm có giá trị cao như trái cây và rau quả, sản phẩm thủy sản và đồ uống đang dẫn đến phần lớn mức tăng ở các khu vực phát triển.
Được phát hành hai lần một năm, Báo cáo Triển vọng Lương thực (Food Outlook) đưa ra các đánh giá của FAO về xu hướng cung và cầu của thị trường đối với các loại thực phẩm chính trên thế giới, bao gồm ngũ cốc, dầu thực vật, đường, thịt, sữa và cá. Báo cáo này cũng phân tích các xu hướng trên thị trường kỳ hạn và chi phí vận chuyển đối với các mặt hàng thực phẩm.
Dẫn nguồn tin từ FAO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm: Chỉ số giá dầu thực vật trong tháng 10.2021 đã tăng 9,6% trong tháng 10.2021, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Chỉ số giá sữa tăng 2,6 điểm so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu bơ, sữa bột gầy và sữa bột nguyên kem nói chung tăng lên trên toàn cầu trong bối cảnh người mua nỗ lực đảm bảo nguồn cung để bổ sung kho dự trữ.
Ngược lại, chỉ số giá thịt giảm 0,7% so với giá trị được sửa đổi của tháng 9, đánh dấu lần giảm thứ ba hàng tháng. Giá thịt lợn và thịt trâu bò giảm do lượng mua từ Trung Quốc giảm và giá đối với nguồn cung từ Brazil giảm mạnh. Ngược lại, giá thịt gia cầm và trứng tăng do nhu cầu tiêu thụ cao và triển vọng mở rộng sản xuất không mấy sáng sủa.
Tương tự, chỉ số giá đường giảm 1,8% so với tháng 9, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 6 tháng tăng liên tiếp. Giá đường giảm là do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu hạn chế và triển vọng nguồn cung xuất khẩu lớn từ Ấn Độ và Thái Lan cũng như sự suy yếu của đồng Real Brazil so với USD.
Vũ Nghi (t/h)