Nhật Bản và Việt Nam ký 3 thoả thuận ODA với trị giá 10.672 tỉ đồng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng vừa ký kết 3 thoả thuận với Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản Sugano Yuichi về việc vay vốn ODA trị giá gần 61 tỷ yen, hơn 10.000 tỷ đồng.

Nhật Bản và Việt Nam ký 3 thoả thuận ODA với trị giá 10.672 tỉ đồng - Ảnh 1

Nhật Bản và Việt Nam ký 3 thoả thuận ODA với trị giá 10.672 tỉ đồng.

Theo đó, thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hậu Covid-19 có giá trị lớn nhất, trị giá 50 triệu yen, tương đương 8.750 tỷ đồng. Đây là khoản vay có lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

Theo JICA, việc kết quả tăng trưởng Việt Nam nửa đầu năm thấp cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chi tiêu công của Chính phủ để kích thích nền kinh tế. Khoản ODA này sẽ cung cấp cho Việt Nam nguồn vốn để thực hiện các chương trình này.

Khoản vay tiếp theo là cho dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương, trị giá 6,3 tỷ yen (khoảng gần 1.100 tỷ đồng). Dự án này sẽ phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối giao thông Bình Dương - TP HCM - Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến Metro.

Cuối cùng là khoản vay 4,7 tỷ yen (khoảng 829 tỷ đồng) hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và trung tâm giao dịch hoa.

Trước đó, vào ngày 10/3/2023 cập nhật dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sau hơn 30 năm, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo ra động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam; trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản.

Với 3 khoản vay được ký kết lần này, Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết đến nay hơn 2.567 tỷ yên, tương đương khoảng hơn 23 tỷ USD. Các dự án vay vốn Nhật Bản có phạm vi đối tượng sử dụng vốn vay đa dạng như giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu... đã và đang đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tiến Hoàng