Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Trước nhu cầu khắt khe của thị trường và người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm an toàn như hiện nay, việc chuyển hướng sang nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có chè, là xu thế tất yếu. Đây được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập và hướng tới nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Thái Nguyên
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, xác định cây chè là tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của tỉnh, trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và thế giới.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đổi mới và phát triển hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ chè. Hiện nay, toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Ngoài vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp chè, các HTX sản xuất, kinh doanh chè đóng vai trò quan trọng, hiệu quả trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ chè của tỉnh, phù hợp với đặc thù sản xuất chè của tỉnh Thái Nguyên.
Yên Bái
Theo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, trong những năm qua, cây chè đã được tỉnh Yên Bái xác định là cây trồng có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế nhằm phát huy những ưu thế sẵn có về đất đai, lao động, việc tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo và phát triển diện tích, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo.
Định hướng phát triển sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung vào các huyện có vùng chè lớn, có điều kiện thâm canh và mở rộng diện tích chè như Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình...; xây dựng và hình thành được những vùng sản xuất chè an toàn nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, có chất lượng cao tại các xã như Bình Thuận, Thượng Bằng La, Suối Giàng. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè trên địa bàn đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng chuyên sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực trong việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu vùng và đăng ký sở hữu trí tuệ; phấn đấu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; gia tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ đạt trên 30%; Tiếp tục thực hiện đề án phát triển giống chè Shan - sản phẩm đặc sản tại các huyện vùng cao trong tỉnh...
Phú Thọ
Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, cây chè có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ, diện tích chè toàn tỉnh có hơn 16.000 ha, được quy hoạch vùng chè tập trung ở 9/13 huyện thị thành trong tỉnh là Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ. Năng suất chè đến nay đạt 118 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm, đứng thứ 4 về diện tích và thứ 3 về sản lượng chè toàn quốc.
Thực hiện tái cơ cấu ngành chè, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp cơ sở chế biến và tổ chức sản xuất. Đã có nhiều chính sách của tỉnh hỗ trợ cho sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Phú Thọ: hỗ trợ 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sao, sấy, phân loại trong chế biến chè xanh và chè đen đồng bộ, hiện đại; 14 HTX, 18 làng nghề, một trang trại sản xuất, chế biến chè và 897 cơ sở chế biến thủ công nhỏ lẻ. Ngoài ra, một số nhà máy chế biến đã liên kết sản xuất với các HTX, nhóm hộ trồng chè bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Ðây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng.
Tuyên Quang
Cây chè được chọn là 1 trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 8.418 ha chè, diện tích cho sản phẩm 7.832 ha, năng suất chè bình quân đạt 85,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 67 nghìn tấn. Cơ cấu giống chè có trên 15 giống, chủ yếu là giống chè Trung du, các giống chè lai, các giống chè đặc sản nhập nội mới và giống chè Shan... Giá trị sản xuất nguyên liệu đối với cây chè đạt 426 tỷ đồng, chiếm 7,8% giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh.
Trong đó, chuỗi liên kết sản xuất của các Công ty sản xuất với quy mô lớn gồm 03 Công ty Cổ phần chè là Tân Trào, Mỹ Lâm, Sông Lô đều thực hiện liên kết sản xuất giữa Công ty với các hộ dân trồng chè trong vùng nguyên liệu của Công ty quản lý, sử dụng và mở rộng liên kết với các hộ dân có đất đầu tư trồng, tiêu thụ chè và xây dựng mô hình liên kết tại các đội sản xuất. Ngoài ra, các công ty còn chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, xây dựng được thị trường xuất khẩu ổn định.
Đối với chuỗi liên kết của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất chè đặc sản với quy nhỏ như: Công ty chè Núi Kia tăng đầu tư tại xã Hồng Thái; Cơ sở sản xuất chè Luận Kỳ, Cơ sở sản xuất chè Tuyên Thái Liên, Hợp tác xã Trung Long, Hợp tác xã Vĩnh Tân... thực hiện liên kết với các hộ trồng chè tại địa bàn để đảm bảo quản lý và xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng ngay từ khâu sản xuất.
Có thể thấy, việc triển khai các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm chè giữa người trồng chè với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và kết quả thực hiện một số mô hình sản xuất thâm canh chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Rainforest Alliance... đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng chè và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, kéo theo việc người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Vũ Nghi