Đến dự có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đông đảo nhân dân, du khách.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng và các đại biểu dự khai mạc Lễ hội.
Lễ hội "Hương sắc trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương" là sự kiện thường niên do UBND TP. Thái Nguyên tổ chức vào dịp đầu Xuân suốt hơn 20 năm qua. Mục đích của lễ hội là tôn vinh cây chè và nghề trồng chè truyền thống, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của chè, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về chè cũng như du lịch cộng đồng của vùng chè đặc sản Tân Cương. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 7 đến 9-2 (tức từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng), với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Phần thi rước cây chè đẹp.
Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động phong phú, như: tổ chức thi, rước cây chè đẹp và các sản phẩm sáng tạo từ chè; thi hái chè, sao chè, đóng gói trà; biểu diễn pha trà; thi sáng tạo ẩm thực từ trà xanh; trao đổi về văn hóa thưởng trà; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP của TP. Thái Nguyên.
Phần thi sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Tham gia thi sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống có 6 đội với 36 thành viên đến từ các xã trong vùng chè đặc sản Tân Cương gồm: Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương, Phúc Hà, Quyết Thắng và Thịnh Đức. Trong thời gian 150 phút, từ 4kg chè tươi, các đội phải chế biến thành phẩm đạt 0,5kg chè khô. Sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong từng công đoạn đã giúp các đội hoàn thành phần thi trong thời gian quy định.
Phần thi đóng gói trà nhanh.
Ở phần thi đóng gói trà nhanh, 6 đội thi (mỗi đội 3 người) phải hoàn thành đóng gói 20 gói trà ấm 10g vào hộp 200g trong thời gian tối đa 10 phút. Cuộc thi không chỉ là sân chơi thể hiện tài năng của nghệ nhân và người làm chè mà còn giúp người dân và du khách hiểu hơn về các công đoạn sản xuất chè thơm ngon. Qua đó, giá trị của trà Tân Cương không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm mà còn thể hiện tinh thần lao động và sự tinh tế trong từng công đoạn chế biến.
Thi hái chè nhanh tại Lễ hội.
Cùng ngày, các hoạt động đặc sắc và ý nghĩa khác cũng diễn ra như: tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; các gian thưởng trà; biểu diễn pha trà; biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam; tổ chức thi ẩm thực "Trải nghiệm ẩm thực xứ trà - Đậm đà bản sắc"; trao đổi về văn hóa thưởng trà; trải nghiệm ẩm thực với các món ăn gắn với sản phẩm trà… Các hoạt động này đã tạo nên những nét độc đáo, ấn tượng nổi bật của lễ hội, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân các xã vùng chè nói riêng và TP. Thái Nguyên nói chung.
Lễ hội "Hương sắc trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương" năm 2025 không chỉ góp phần tôn vinh nghề chè truyền thống mà còn giúp quảng bá rộng rãi sản phẩm chè và văn hóa trà Việt Nam, tạo tiền đề phát triển kinh tế - du lịch vùng Tân Cương, TP. Thái Nguyên.