Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, gạo và rau quả là hai mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm nay.
Ảnh minh họa
Tính đến ngày 30/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn neo ở mức cao 508 USD/tấn. Mức giá này bằng với giá gạo cùng loại của Thái Lan, cao hơn 35 USD/tấn so với giá gạo của Ấn Độ và cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Pakistan.
Tương tự, giá gạo 25% tấm của nước ta được giao dịch ở mức 488 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan, cao hơn giá gạo Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 35 USD/tấn và 30 USD/tấn. Không chỉ bán được với giá cao, xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí đột biến ở những thị trường mới.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 772 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022. Gạo Việt cũng chiếm tới 89,6% tổng giá trị nhập khẩu gạo của quốc gia này trong 5 tháng đầu năm 2023.
Xuất sang Trung Quốc sau một thời gian dài sụt giảm nay cũng bật tăng mạnh. Tính đến hết tháng 5/2023, quốc gia này chi 364,2 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài hai khách hàng trên, xuất khẩu sang thị trường Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng đột biến 1.520% so với cùng kỳ năm 2022. Với kim ngạch đạt 181,4 triệu USD, Indonesia vươn lên thành khách hàng lớn thứ ba của gạo Việt, chỉ đứng sau Philippines và Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu gạo sang Chile và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khá khiêm tốn, song trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu sang hai thị trường này tăng vọt 2.930% và 12.843% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân khiến các nước này tăng nhập gạo Việt là do hiện tượng "EL Nino xuất hiện" buộc nhiều quốc gia tăng mua để dự trữ.
Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở phân khúc cao cấp, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - tiết lộ, riêng thị trường Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã trúng thầu liên tiếp 3 hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Trong đó, hợp đồng mới nhất là giữa tháng 6, với gần 17.000 tấn gạo xuất sang Hàn Quốc, giá 674 USD/tấn.
Theo ông Bình, gạo năm nay có giá tốt. Trung An đều ký được các đơn hàng giá từ gần 600-1.500 USD/tấn. Đặc biệt, năm 2023 trong phân khúc gạo thơm ST xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp đã ký kết xuất khẩu với giá 1.250 USD/tấn. Các doanh nghiệp khác cũng cho biết, đơn hàng tăng mạnh. Họ đang tích cực thu mua lúa gạo để trả hàng cho các nhà nhập khẩu theo hợp đồng đã ký.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, El Nino kéo theo những điều kiện thời tiết nóng và khô hơn sẽ khiến lượng dự trữ gạo của thế giới giảm 5%, xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ này. Thời tiết khắc nghiệt gây hậu quả nghiêm trọng đối với vựa lúa gạo châu Á. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều quốc gia tăng mua gạo của Việt Nam.
Hương Trà