Việc đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm mục tiêu đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong bối cảnh tín dụng đã tăng nhẹ từ tháng 2 đến nay những vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo dự báo của các ngân hàng về tình hình tăng trưởng tín dụng quý 2/2024 mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,8% trong quý 2/2024 và tăng 13,6% trong năm 2024. Dự báo này được điều chỉnh giảm 0,6 điểm % so với mức dự báo 14,2% tại kỳ điều tra trước.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 10/5, tín dụng mới tăng 1,95% so với cuối năm 2024, tương đương dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng so với đầu năm, con số này còn cách khá xa so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho tăng trưởng tín dụng là 14 - 15% tương đương với khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.
Theo đó, NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình kết nối tổ chức theo hình thức phù hợp (hội nghị, làm việc, trao đổi...) để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố
Thường xuyên tổ chức Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Quyết định số 83/QĐ-NHNN, Thông báo số 81/TB-NHNN, Công văn số 3053/NHNN-VP. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được tổ chức theo hình thức phù hợp (Hội nghị, làm việc, trao đổi...) nhằm đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; để nắm bắt, xử lí, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Chủ động báo cáo lãnh đạo tỉnh, thành phố, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; không để tình trạng doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn: (i) Tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do NHNN chi nhánh trên địa bàn đầu mối tổ chức; (ii) Chủ động thường xuyên triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với các hình thức phù hợp (như hội nghị khách hàng, chương trình đối thoại, trao đổi với khách hàng...); (iii) Cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và các lĩnh vực thế mạnh của địa phương; (iv) Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, NHNN để được thụ hưởng.
Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, NHNN những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để được xem xét, xử lí, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn.
Đối với các TCTD
Thường xuyên tổ chức chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Quyết định 83/QĐ-NHNN, Thông báo 81/TB-NHNN, Công văn 3053/NHNN-TD; đa dạng hóa nội dung, chuyên đề Hội nghị bằng các hình thức phù hợp nhằm tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực chất; chủ động thông báo cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, NHNN và của TCTD mình cho khách hàng, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Chỉ đạo các chi nhánh TCTD trong hệ thống: tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại địa bàn do NHNN tổ chức; bản thân từng chi nhánh tổ chức có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp (Hội nghị khách hàng, trực tiếp làm việc, trao đổi, đối thoại với khách hàng...); nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp và đăng ký các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống; báo cáo chính quyền địa phương, NHNN, các Bộ, ngành có liên quan về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc tổ chức cần đa dạng hóa nội dung, chuyên đề Hội nghị tổ chức theo các hình thức phù hợp nhằm tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực chất; chủ động thông báo cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tổ chức tín dụng mình cho khách hàng, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời các ngân hàng cũng cần nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp và đăng ký các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng. Tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Tiến Hoàng