Nhu cầu nước tưới của cây chè vụ đông

Vào mùa đông, trời hanh khô, đặc biệt là tháng cuối năm, nguồn nước tự nhiên hạn chế chính là yếu tố khó khăn mà người làm chè từ nhiều năm không thể khắc phục để sản xuất chè vụ đông. Do đó, nhiều hộ dân đã áp dụng thành công phương pháp tưới nước khoa học, giữ ẩm tốt, giúp cây chè phát triển và cho thu nhập ổn định tương đương với lứa chè chính vụ.

Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, cây chè cho thu hoạch sản phẩm là búp và lá non nên nhu cầu dùng nước ở chè rất cao và thường xuyên trong năm. Hàm lượng nước chứa trong các bộ phận của cây như sau: Rễ hút: 54,5%; cành non: 75%; cành già: 48%, hàm lượng nước trong búp chè và nhu cầu nước thay đổi theo giống, mùa vụ và thời tiết.

Nước có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phẩm chất chè. Khi cung cấp đầy đủ nước cây chè sinh trưởng rất tốt, lá to mềm, nhiều búp non. Đối với cây chè vụ đông, nhu cầu nước của chè trong vườn ươm là không cao, tuy nhiên vẫn cần tưới nước thường xuyên. Từ giai đoạn cây non đến cây trưởng thành thì nhu cầu nước, giữ ẩm cho cây chè cũng tăng lên.

Lựa chọn thiết bị tưới nước phù hợp, tiết kiệm cho cây chè
Lựa chọn thiết bị tưới nước phù hợp, tiết kiệm cho cây chè

Việc giữ ẩm cho cây chè là một công việc rất quan trọng, ngoài biện pháp tưới nước cần áp dụng các biện pháp trồng trọt tổng hợp như xới đất, cày đất, làm cỏ, mật độ cây và phương pháp trồng hợp lý, chọn giống chịu hạn, tủ đất, ủ đất... để thỏa mãn nhu cầu nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây nhằm mục đích tăng phẩm chất của chè.

Sau khi cày bừa vụ đông xuân khô hạn, tủ gốc hay phủ rác lên toàn bộ diện tích chè kết hợp với tưới nước để tạo ẩm và giữ độ ẩm cho cây là vô cùng cần thiết để giảm lượng tưới. Biện pháp này tăng năng suất chè lên tới 35-50%.

Phương pháp tưới cho cây chè vụ đông

Phương pháp phổ biến ở Việt Nam chủ yếu là tưới gốc và tưới rãnh, ngoài ra còn có hình thức tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt hình thức trải theo luống chè công nghệ Israel.

Đối với hình thức tưới phun mưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam từ xưa đến nay bằng việc sử dụng các thiết bị tưới như: Béc tưới cánh đập đài loan, Béc tưới Ducar Thổ Nhĩ Kỳ...

Đặc biệt, vào mùa đông, hình thức tưới nhỏ giọt (van xoay) được áp dụng cho những vùng có khan hiếm về nguồn nước, thiếu thốn về nhân lực. Đây là hình thức trải theo luống của hàng chè được áp dụng theo mô hình tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Mô hình này được ngành nông nghiệp Việt Nam áp dụng phổ biến, bởi hình thức tưới nhỏ giọt ngày càng thể hiện được những lợi ích tưới nhỏ giọt mang lại.

Theo ông Lương Văn Đảo, trưởng xóm La Cút (Đại Từ - Thái Nguyên), trên bãi chè tập trung có diện tích 4 ha của gia đình, thông qua cơ chế đối ứng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay. Việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay đưa đến cho gia đình ông hiệu quả "1 vốn 4 lời". Bên cạnh đó, qua giới thiệu về công năng của hệ thống tưới mới cũng như thực tiễn hoạt động của nó trên nương chè thì ngoài tưới, hệ thống còn có thể giúp người làm chè phun thuốc bảo vệ thực vật hay tưới phân vi sinh dạng lỏng.

Trước đó, việc tưới chè chủ yếu được thực hiện qua việc dùng máy bơm áp lực, sử dụng nhiều họng nước trên nương chè để đấu nối. Cách làm cũ không thể đảm bảo được cường độ, lượng nước tưới ổn định phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của cây trồng.

Với hình thức tưới nhỏ giọt (van xoay), nước từ các van xoay sẽ phun mưa đều trên lá, trên luống chè như cơn mưa tự nhiên. Nước không chỉ được tưới đều, tưới đủ mà còn cải tạo được khí hậu cho những đồi chè, gò chè cao, có địa hình dốc.

Nhân Lê