Những khó khăn trong việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP

Để nâng giá trị kinh tế của cây chè, một số địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, trong đó, xây dựng các mô hình sản xuất chè an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những định hướng được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, quá trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, tồn tại nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người dân mà còn bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng. Nhờ đó, bà con cũng đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi một số diện tích sang trồng chè đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế (VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified). Đây chính là yếu tố thuận lợi cho chè an toàn phát triển và nhân rộng.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Xuyên, thực tế khi tham gia vào mô hình sản xuất chè VietGAP, người nông dân sẽ phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, đó là: Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; khi sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia cần phải được chọn lọc để giảm thiểu các mối nguy cơ hóa học, sinh học cho sản phẩm; chất lượng nước tưới phải đảm bảo theo tiêu chuẩn; ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; sản phẩm chỉ được cấp giấy chứng nhận với sự kiểm tra, đánh giá thường xuyên của cơ quan chức năng... Khi tham gia mô hình, người dân sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, một phần phân bón và kinh phí để cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ chỉ kéo dài trong khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, giá bán chè VietGAP không cao hơn nhiều, thậm chí có thời điểm chỉ tương đương với sản phẩm chè thông thường. Xuất phát từ giá bán chè VietGAP không cao hơn nhiều trong khi quy trình sản xuất lại phức tạp hơn so với sản phẩm chè thông thường nên nhiều hộ tuy đã đăng ký tham gia nhưng không mặn mà để duy trì.

Anh Trần Văn Đảng, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh (Phú Lương) cho hay: Sản xuất chè an toàn công sức bỏ ra là rất lớn, trong khi hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Đơn cử như làm chè theo hướng hữu cơ, tôi bán với giá cao hơn khoảng 30% so với chè thông thường vậy nhưng sản lượng lại thấp hơn khoảng 20% trên cùng một diện tích canh tác. Thêm vào đó, chúng tôi cũng chưa có đầu ra ổn định mà vẫn phải đem bán tại chợ hay bán cho thương lái, bị đánh đồng với chè thông thường với giá cả lên xuống bấp bênh.

Hiện nay, tại các thị trường ngoài tỉnh có hiện tượng trà trộn chè Thái Nguyên phẩm hạng thấp với phẩm hạng cao hoặc chè Thái Nguyên với chè của một số địa phương khác. Đây chính là lý do lớn nhất khiến diện tích chè VietGAP, chè hữu cơ không mở rộng được nhanh như kế hoạch của tỉnh.

Người làm chè sau một thời gian vất vả với các quy trình nghiêm ngặt lại tiếp tục vật lộn với thị trường để chứng minh chất lượng của mình. Các tổ chức, cá nhân đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải mất phí, thủ tục rườm rà, giấy chứng nhận đạt chuẩn có giá trị trong thời gian ngắn (3 năm) trong khi thời gian thẩm định dài (có thể kéo dài đến 6 tháng)… là những rào cản còn hiện hữu đối với chè an toàn nói chung, chè VietGAP nói riêng.

Đối với diện tích chè khi chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ, người dân phải mất một thời gian tương đối dài để cân đối lại các thành phần trong đất và phải sau 2-3 năm mới cho sản lượng ổn định. Do vậy, ngoài sự quyết tâm của người làm chè thì các ngành chức năng, nhất là các cơ quan kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp, quản lý thị trường không vào cuộc quyết liệt thì rất khó thực hiện sản phẩm chè an toàn…

Văn Chung