Từ rất lâu, câu chuyện lãng phí được xã hội nhắc đi, nhắc lại nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có những số liệu thống kê cụ thể, chi tiết, thuyết phục qua những cuộc khảo sát, đánh giá khách quan khoa học của các cơ quan chức năng về thực trạng lãng phí của đất nước. Mặt khác, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì cụm từ chống lãng phí dường như chưa được nhấn mạnh bằng vế chống tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian gần đây, trong nhiều cuộc làm việc với các cấp từ trung ương đến địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phòng, chống lãng phí tài sản công, ngân sách quốc gia. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ dưới nhiều hình thức, trực tiếp và gián tiếp liên tục đôn đốc, nhắc nhở tư lệnh các ngành cùng các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra hàng nghìn dự án trong cả nước đang “trùm mền, đắp chiếu” để xử lý nghiêm và ngay, kèm theo mốc thời hạn phải trả lời kết quả rất cụ thể. Có thể là dừng bỏ thay nhà thầu; có thể là quy trách nhiệm, kết luận rõ ràng để tái khởi động lại, chuyển cho đơn vị khác thực hiện hay buộc phải xử lý theo pháp luật. Công việc chống lãng phí đang được Đảng, Chính phủ quan tâm hơn trước rất nhiều.
Trong quá trình tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đã nảy sinh tình huống mới. Sau khi sáp nhập, không ít cơ quan, đơn vị dư thừa trụ sở làm việc, các phương tiện phục vụ công tác...Định hướng xử lý việc này bước đầu đã được công khai, ưu tiên những cơ sở vật chất dôi dư cho ngành giáo dục, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục, thể thao, nhất là ở cơ sở, không để phát sinh việc xây dựng trụ sở làm việc mới. Việc này, nếu triển khai không bài bản, lộ trình, thiếu giám sát chặt chẽ, rất có thể lại nảy sinh những lãng phí mới. Bản chất, mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy cũng là hướng đến chống lãng phí lãng phí nguồn lực đất nước cả về trí tuệ và vật chất, thực hành tiết kiệm cho ngân khố quốc gia. Sau khi kiện toàn bộ máy mới phải vận hành được ngay, không ngưng trệ sẽ lãng phí thời gian, nhân tài vật lực, ảnh hưởng hoạt động của cả bộ máy xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tư tưởng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Tấm gương nói và làm của Người đã từng được phát động trở thành phong trào lan rộng khắp cả nước, trong những giai đoạn đất nước còn chiến tranh, đời sống nhân dân trăm bề thiếu thốn. Đôi khi, cuộc sống đã đủ đầy, dễ nảy sinh tư tưởng hưởng thụ gấp, tiêu xài hoang phí dù vật chất ấy là của riêng hay của công. Thực tế ấy đã và đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật ở không ít gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức. Biểu hiện của lãng phí, không biết, không chịu thực hành tiết kiệm rất dễ nhận ra, “biết mặt, chỉ tên” nhưng thường bị coi nhẹ nên bỏ qua hay “dĩ hòa vi quý”. Chỉ khi khó khăn bất ngờ ập đến: dịch bệnh, thiên tai bão lũ, mùa màng thất bát, làm ăn khó khăn, thu nhập bấp bênh...chúng ta mới nhận ra hậu quả của cách tiêu xài “vung tay quá trán”, sống chỉ lo cho hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai; của công xài không tiếc.
Công cuộc đổi mới của đất nước nhiều thập kỷ qua cũng hàm chứa nội dung đổi mới tư duy và hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế- xã hội, xây dựng nền kinh tế xanh, khai thác năng lượng sạch...đều góp phần chống lãng phí, tiết kiệm thời gian, nhân lực, khai thác tối đa thế mạnh, khắc phục hạn chế, khó khăn vô cùng lớn của một đất nước phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm, đến quốc hàng thế kỷ. Cả nước đã lắng nghe những thông điệp gợi mở của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm, với thành phố Hà Nội làm cách nào để năm tới miễn phí ăn trưa cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở trên địa bàn. Rồi đây, nhà nước đã có mốc phấn đấu để tiến tới, giảm rồi miễn phí khám chữa bệnh cho toàn dân ...
Rất nhiều mong muốn và mục tiêu phấn đấu lấy “con người làm trung tâm” đã được Tổng Bí thư, Thủ tướng khẳng định, chia sẻ. Muốn hiện thực hóa những mục tiêu ấy, nhất định phải thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tổ chức; kiên định với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực có hiệu quả cao. Xây dựng lại ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội, mang tính thiết thực, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người lãnh đạo các cấp phải nêu gương trong lời nói và hành động; phải được Đảng “nghị quyết hóa”, nhà nước “luật hóa” cụ thể hơn.
Hướng dẫn 63 do Tổng Bí thư Tô Lâm, trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã ký nêu cụ thể 7 hành vi gây lãng phí cần tập trung chỉ đạo phòng chống; giao Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc một trong 6 trường hợp cụ thể. Đây được xem là quyết tâm chính trị lớn của Đảng ta về công tác phòng chống tham nhũng. Nhân dân hết sức đồng thuận và đặt niềm tin lớn vào Đảng ta.
Kỷ nguyên mới đan xen thời cơ và thách thức đang dần hiện hữu. Chưa bao giờ vai trò lãnh đạo toàn diện, dẫn dắt, định hướng hành động rất minh bạch và quyết tâm như lúc này. Mỗi nhiệm vụ Đảng giao, Chính phủ điều hành triển khai đều có lộ trình, kế hoạch cụ thể đi kèm. Nhiệm vụ gì, ai phụ trách, thời gian triển khai, báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện như thế nào liên tục được truyền thông đưa tin hàng ngày. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng là đây. Toàn dân góp sức, góp trí tuệ, hiến kế và đồng thuận đang là hướng đi rõ nét nhất trong những ngày tháng đầu năm 2025.
Từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV được tổ chức quỹ thời gian không nhiều, khối lượng công việc vô cùng lớn, nhiều nhiệm vụ nặng nề, phức tạp. Song, không khí cả nước, từ lãnh đạo đến người dân cùng hối hả hăng say làm việc, đôi khi quên cả ngày nghỉ trên các công trình, dự án trọng điểm...đã phần nào cho thấy tinh thần tiết kiệm thời gian như thế nào? Thời gian là lực lượng, thời cơ cũng là lực lượng. Làm chủ được thời gian, nắm bắt được thời cơ sẽ làm nên thắng lợi. Tháng Năm, chúng ta nhớ về Bác Hồ muôn vàn kính yêu bằng việc làm cụ thể, nói không với lãng phí, luôn thực hành tiết kiệm để mỗi người, mỗi nhà, cả nước luôn có cuộc sống sung túc, bình yên và ngập tràn hạnh phúc.
VĂN HÙNG