Những vùng chè Shan tuyết nổi tiếng của Việt Nam

Nhắc đến Tây Bắc và Đông Bắc thì không thể không nhắc đến một giống trà mang đậm chất kỳ vĩ, huyền bí được thiên nhiên ban tặng đó là những cây trà cổ thụ Shan tuyết. Sinh trưởng hoàn toàn hoang dã, phơi mình dưới nắng và gió suốt hàng trăm năm đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho dòng trà này.

Cây trà là loại cây cổ thụ, mọc cao đến vài mét, khi hái trà phải trèo hẳn lên cây. Có những gốc trà vài người ôm không xuể. Nằm ở khu vực có độ cao, mây mù bao phủ quanh năm, sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cùng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tạo cho Trà Shan tuyết có chất lượng tốt. Trà Tuyết Shan thông thường được canh tác hoàn toàn tự nhiên không sử dụng bất cứ một hóa chất hay phân bón nên được xem là trà sạch

Những vùng chè Shan tuyết nổi tiếng của Việt Nam  - Ảnh 1

Chính môi trường sống hoang dã, không có tác động của con người này lại giúp cho cây trà có tuổi thọ rất cao, từ 100 đến 200 năm tuổi và vươn mình thành những cây cổ thụ to lớn.

Trà Shan tuyết cố thụ sinh trưởng ở những vùng núi cao từ 2000-2800m so với mực nước biển của vùng Tây Bắc Việt Nam với khí hậu lạnh và sương mù giăng phủ quanh năm. Hiện nay, theo ghi nhận, có 5 tỉnh miền núi Tây Bắc nổi tiếng với loại trà tuyệt hảo này: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên.

Trà Shan tuyết Hà Giang

Hà Giang được thừa hưởng khí hậu vùng núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều mây mù nên chè ở đây búp to, được phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Các gốc chè có thâm niên tới hơn 300 tuổi, thân to, có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp trà to khác với các loại chè khác; người hái phải trèo lên mới thu hoạch được. Trong các khu rừng tự nhiên của Hà Giang, cây chè Shan mọc lẫn với các loại cây rừng khác. Quá trình du cư đến sinh sống, đồng bào phá rừng làm nương và giữ lại các cây chè, tiếp tục khai thác. Có những nơi, đồng bào còn trồng bổ sung bằng hạt, tạo nên những nương chè hỗn giao theo dạng chè rừng.

Ở Hà Giang, chè Shan phân bố hầu khắp các huyện, trong đó các vùng chè cổ thụ đều có độ cao từ 300 - 1.000m. Cho đến nay, một số vùng trong tỉnh có tính đặc trưng cao cho các tiểu vùng sinh thái có chè Shan như: Lũng Phìn (Đồng Văn) đại diện cho vùng cao núi đá vôi; Phìn Hồ (Hòang Su Phì) đại diện cho vùng cao núi đất; Tham Vè, Bó Đướt (Vị Xuyên) đại diện cho vùng chè cổ nhất Việt Nam. Đây cũng chính là những địa phương có sản phẩm chè Shan tuyết thơm ngon nổi tiếng.  

Chè Shan Hà Giang được chế biến theo phương pháp thủ công của người Mông, người Dao… phải chế biến và bảo quản sao cho khéo léo để không làm hỏng mất vị và công dụng của chè Shan tuyết. Từ khâu hái che đến khi ra thành phẩm, người dân đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Nước trà Shan Tuyết có màu vàng như mật ong và cả một chút “tuyết” của lá trà trôi bồng bềnh trên mặt nước. Nhấp một chén trà đưa lên miệng sẽ cảm nhận được hương thơm dìu dịu rồi đến vị hơi đắng nơi đầu lưỡi nhưng vị ngọt thanh ngay sau đó sẽ lan tỏa khắp khoang miệng.

Trà Shan tuyết Sơn La

Mọc hoang dã dọc theo những triền núi và đỉnh núi ở độ cao 1800m của vùng đại ngàn cách huyện Bắc Yên 14 km, những đồi chè Shan Tuyết ở Tà Xùa cao 2- 20m và có mộ hương vị riêng mà không cây trà nào ở vùng khác có được.

Loại trà này đặc biệt quý hiếm vì sản lượng mỗi năm chỉ khoảng vài trăm kg. Nhờ có khi hậu đặc biệt, 4 mùa rõ rệt trong một ngày, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn mà trà cổ thụ Shan Tuyết Tà Xua có những nét rất riêng: vị chát rất thanh và dư vị ngọt kéo dài. Trà shan tuyết Tà Xùa không chỉ được ưa chuộng bởi những người uống trà lâu năm mà còn được công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao. Shan Tuyết trà thuộc Top 6 loại trà ngon nhất thế giới.

Những vùng chè Shan tuyết nổi tiếng của Việt Nam  - Ảnh 2

Trà Shan tuyết Yên Bái

Được mệnh danh là “quê hương, nơi phát tích của cây trà trên thế giới”, vùng đất này hiện còn lưu giữ rừng trà cổ thụ ở độ cao 900-1400m với trên 84000 cây lão trà hoang dã. Người H’mong ở đây từ xưa đã trồng trà trong rừng sâu và coi đây như một thứ cây thuốc, như một tín ngưỡng linh thiêng mà tổ tiên họ truyền lại, vì vậy nên cây trà ở đây không hoàn toàn là hoang dã. Với khí hậu riêng biêt, độ nắng nhiều quanh năm, trà ở đây có vị chát nhiều, để lại ấn tượng sau khi uống. Đây là loại trà được những người uống trà lâu năm, ví dụ như người miền Bắc, rất ưa chuộng.

Yên Bái có 3 vùng trà Shan tuyết nổi tiếng là Suối Giàng, Sùng Đô, Suối Quyền

Trà Shan tuyết Lào Cai

Những cây chè ở Lào Cai có cổ to, gốc và thân cây rêu mốc, cành lá xum xuê, có nhiều cây cao lên đến hàng chục mét thẳng đứng như thể muốn hững trọn những tinh chất quý từ đất trời.

Nhờ hợp với khí hậu mà cây chè tươi tốt quanh năm cùng với sự vun bón hay chăm sóc từ con người. Do vậy, những búp trà tươi ngon phủ một lớp lông tuyết trắng hoàn toàn có lợi cho sức khỏe con người.

Để cho ra những phẩm trà tuyệt vời nhất thì công đoạn thu hái và sản xuất cũng hết sức độc đáo. Khi trời còn đắm chìm trong giấc ngủ bình yên thì những người thợ trà nơi đây đã đeo gùi lên núi thu hái những búp chè tươi mập mạp. Bởi theo kinh nghiệm từ của những người đi trước để lại, đây là thời điểm mà búp chè hội tụ hương vị tinh túy nhất.

Những vùng chè Shan tuyết nổi tiếng của Việt Nam  - Ảnh 3

Trà Shan tuyết Điện Biên

Điện Biên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao với độ cao trung bình từ 300m-1800m so với mực nước biển và có nguồn địa chất, thổ nhưỡng dồi dào. Khí hậu tại đây có mùa đông rất lạnh nhưng thường kéo dài ngắn hơn, nhiệt độ trung bình của năm là khoảng 20°C. Vùng đất Tủa Chùa với độ cao khoảng 1200m so với mực nước biển, với diện tích rừng trà cổ thụ lên đến gần 30ha với 10000 cây chè đã 300 năm tuổi.

Cây chè Shan tuyết ở đây có độ cao từ 8-15m, có những cây to thì 3-4 người ôm không xuể. Thân cây sần sùi, lá có màu xanh tươi và dài hơn so với các cây chè khác. Cây chè Shan tuyết Tủa Chùa sinh trưởng và phát triển tự nhiên, không hề dùng bất kỳ sự chăm bón bởi chúng tự thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây, đặc biệt là cây chè này tự sản sinh ra một loại kháng thể giúp chống lại sâu bệnh

Thời gian thu hoạch trà Tủa Chùa là vào tháng 3 đến hết tháng 10 âm lịch hàng năm, nhưng chất lượng nhất phải kể đến vụ xuân. Sau một mùa đông dài và khắc nghiệt, cây chè hấp thu các dưỡng chất tinh túy nhất nên phẩm trà vụ xuân mang đến hương thơm và vị ngon ấn tượng nhất.