Theo Ngân hàng Thế giới trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô mới nhất của Việt Nam, nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, dẫn đến xuất nhập khẩu bị thu hẹp và sản xuất công nghiệp chậm lại.
Trong khi tiêu dùng trong nước (được phản ánh trong doanh số bán lẻ) vẫn ổn định và có thể so sánh với mức tăng trưởng trước đại dịch, thì tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo trong trường hợp các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, nhu cầu bên ngoài có thể yếu hơn nữa.
Bên cạnh đó, khu vực miền Bắc bắt đầu thiếu điện tiêu dùng và sản xuất từ cuối tháng 5. Theo đó, vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Khi lạm phát có dấu hiệu chững lại, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, theo WB, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước - yếu tố có thể tạo áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.
Tổ chức này khuyến nghị việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các chương trình mục tiêu quốc gia) sẽ hỗ trợ kích cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào công nghệ số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Ngoài ra, trong khi xuất khẩu hàng chế tạo chậm lại và việc làm trong ngành sản xuất bị ảnh hưởng, điều quan trọng đối với Việt Nam là nhanh chóng xác định và hỗ trợ những người lao động này cũng như các gia đình bị ảnh hưởng thông qua hệ thống bảo trợ xã hội.
Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.
Trong văn bản kết luận về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương rà soát các vướng mắc, khó khăn về thủ tục pháp lý, hành chính để kiến nghị sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp thẩm quyền cho địa phương.
Cùng với đó, rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp, dự án FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể bảo đảm đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Ngoài ra, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện.
Bảo An