Nông nghiệp vượt khó trong tình hình dịch
Vừa qua, tại tỉnh Khánh Hoà, Quỹ Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các cơ quan ban ngành liên quan, đối tác triển khai thực hiện dự án tại nhiều tỉnh, địa phương và đối tác quốc tế khai mạc Hội thảo đánh giá Chương trình Quốc gia.
Là cơ quan chuyên trách về nông nghiệp của Liên hợp quốc, IFAD đã và đang đồng hành cùng với Việt Nam trong 26 năm qua trong những nỗ lực xóa nghèo, hồi phục xanh và bền vững sau đại dịch Covid-19, nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp...
Trong chương trình, các đại biểu cùng thảo luận, xác định, đánh giá các hoạt động cần thiết nhằm tăng cường quan hệ đối tác xây dựng chính sách ở cấp khu vực và quốc gia và hiệu quả chương trình IFAD ở cấp địa phương, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam (chương trình Nông thông mới) cũng như các dự án do các đối tác phát triển khác hỗ trợ.
Theo ông Dương Hùng Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch Đầu tư, đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt về kinh tế, xã hội của Việt Nam, hàng triệu người lao động đã bị mất việc làm hoặc ảnh hưởng thu nhập do Covid-19.
"Nông nghiệp đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam hồi phục sau đại dịch Covid-19. Dự kiến năm nay tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,9% so với năm ngoái.
Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục có sự đồng hành và hợp tác của các tổ chức quốc tế như IFAD trong việc xây dựng các cộng đồng chống chịu tốt hơn, phục hồi bền vững, cũng như cho phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước giai đoạn 2020-2025", ông Dương Hùng Cường chia sẻ.
Ông Thomas Rath, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam cho biết: "Do đại dịch Covid-19 và những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu và sự khan hiếm các nguồn lực, chúng tôi đề cao sự tham gia tích cực của các cơ quan Chính phủ và các tổ chức đối tác trong việc nâng cao hiệu quả, tính bền vững của các chương trình, kết nối các nguồn lực, đồng thời thúc đẩy chia sẻ các bài học, kinh nghiệm thành công để xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch, hướng tới tương lai".
Trong 26 năm, IFAD đã triển khai chương trình tại 11 tỉnh, địa phương, đem lại các kết quả tích cực cho các cộng đồng vùng xâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số... gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bến Tre, Trà Vinh, Đăk Nông, Gia Lai và Ninh Thuận.
Xuất khẩu thủy sản năm nay có thể đạt khoảng 8,6 tỷ USD
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 7 và tăng trưởng 2 con số kể từ tháng 9 đến nay.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản tăng 10% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 12% trong tháng 10 đạt mức lỷ lục 919 triệu USD, và tăng 13% trong tháng 11 đạt 868 triệu USD.
Nhờ tăng trưởng 2 con số liên tục trong 3 tháng qua, xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến cuối tháng 11 chạm mức tương đương cùng kỳ năm 2019 là trên 7,8 tỷ USD. Qua đó, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản đạt được giá trị như trên trong cả năm nay, chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm duy trì sự tăng trưởng ổn định. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm cả năm dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.
Xuất khẩu hải sản hồi phục trong mấy tháng qua cũng góp phần không nhỏ để giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm dự kiến tương đương với năm 2019.
Xuất khẩu hải sản giảm sâu trong tháng 3 và tháng 5 (giảm lần lượt 47% và 20%), sau đó hồi phục dần, bắt đầu có tăng trưởng dương từ tháng 8. Sau khi tăng mạnh 15% trong tháng 9, xuất khẩu hải sản tăng 2% trong tháng 10 và tiếp tục tăng 8% trong tháng 11 đạt khoảng 305 triệu USD.
Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt trên 2,9 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Dự tính xuất khẩu hải sản cả năm 2020 đạt gần 3,2 tỷ USD, gần tương đương với năm 2019.
Duy Cảnh