Cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ
Theo báo cáo mới đây của Amazon Global Selling, giá trị xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam thông qua nền tảng này tăng 50% trong năm qua. Số lượng doanh nghiệp Việt bán hàng online trên Amazon 10 tháng năm 2023 tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này cho thấy, xuất khẩu qua kênh TMĐT của Việt Nam đang tăng cả về lượng và chất. Doanh nghiệp Việt Nam đã dần biết cách xây dựng thương hiệu và áp dụng tốt hơn các quy chuẩn chung của sàn, nhờ đó tăng dần mức độ chuyển đổi hành vi từ quan tâm sang mua hàng và tái mua hàng của người tiêu dùng quốc tế.
Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là, trong top 5 ngành hàng có tổng giá trị xuất khẩu online cao nhất của Việt Nam trên Amazon vắng bóng sự hiện diện của ngành nông sản. Trong khi Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đã được biết đến trên thị trường quốc tế.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA), nông sản là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới. Tuy nhiên, nông sản có đặc thù là trọng lượng và kích thước lớn, thời hạn sử dụng ngắn nên không có nhiều lợi thế ở mảng xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) online. Bài toán chi phí lưu kho, thời hạn sử dụng, hiểu thời tiết nơi cần đến… là điều doanh nghiệp phải khảo sát kỹ. Các sản phẩm nông sản chế biến hoặc sấy khô như các loại hạt, trái cây sấy khô, bánh tráng, snack làm từ gạo, rong nho sấy khô, cà phê… sẽ là những mặt hàng dễ bán hơn trên TMĐT xuyên biên giới. Bởi nông sản chế biến là mặt hàng được EU, Hoa Kỳ,... ưa chuộng.
Để thành công, doanh nghiệp kinh doanh nông sản Việt cần chú ý những vấn đề sau:
- Hiểu khách hàng quốc tế: Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng quốc tế để sản xuất và cung ứng sản phẩm phù hợp.
- Đổi mới sản phẩm theo nhu cầu khách hàng: Doanh nghiệp cần liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
- Kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu: Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam, gắn kết sản phẩm với câu chuyện văn hóa, con người Việt Nam để tạo ấn tượng với khách hàng quốc tế.
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, tập huấn về TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp. iDEA cũng đã phối hợp với Amazon Global Selling khởi xướng sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên Đột phá” trong giai đoạn 2021 - 2026 với mục tiêu đào tạo được 10.000 lượt doanh nghiệp, trang bị những kỹ năng về TMĐT xuyên biên giới.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, nông sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bứt phá trên thị trường TMĐT xuyên biên giới, góp phần tăng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Bảo Anh