Nông sản Việt Nam đang rộng cửa vào thị trường Singapore

Singapore đang tìm kiếm thêm các quốc gia đối tác để hợp tác sản xuất nông sản, thực phẩm chế biến. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực này và có rất nhiều cơ hội để phát triển.

 Nhu cầu tìm kiếm, mở rộng thị trường lớn

Singapore là đất nước có nền kinh tế phát triển thuộc nhóm năng động bậc nhất tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, có vai trò quan trọng trong hợp tác thương mại với Việt Nam. Nhu cầu tìm kiếm, mở rộng thị trường cung ứng nguyên liệu thay thế thị trường Trung Quốc của Singapore là rất lớn. Trong đó, Việt Nam chính là một trong những thị trường trọng tâm giúp Singapore bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm về nông sản, thủy sản, thực phẩm và xây dựng.

Đặc biệt, Singapore đặt mục tiêu tự chủ 30% lương thực vào năm 2030, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc và Malaysia. Để thực hiện được mục tiêu trên, Singapore cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất lương thực, thực phẩm. 

Nông sản Việt Nam đang rộng cửa vào thị trường Singapore - Ảnh 1

Việt Nam và Singapore là hai quốc gia ASEAN có sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Lũy kế đến tháng 7 năm 2021, Singapore là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 của Việt Nam. Bên cạnh đó, Singapore còn là đối tác thương mại lớn thứ 10 trên toàn cầu và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong số các nước Đông Nam Á. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Singapore đạt 1,88 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Singapore ngày càng phong phú về chủng loại, đa dạng mẫu mã. Tại triển lãm “Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021– Triển lãm hybrid các sản phẩm thực phẩm chế biến và Halal”, hàng Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tốt từ các nhà nhập khẩu về chất lượng và giá cả sản phẩm. 

Bên cạnh đó, Singapore đang có tham vọng trở thành trung tâm Halal toàn cầu (Halal nghĩa là hợp pháp, phù hợp với các tiêu chuẩn của đạo Hồi) và dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành thực phẩm chế biến. Mặc dù không có nền nông nghiệp nhưng nước này lại có tỷ trọng xuất khẩu thực phẩm chế biến rất lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Các nhà sản xuất thực phẩm chế biến rất quan tâm đến khâu nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp của Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để xuất khẩu nguyên liệu sản phẩm cho thực phẩm chế biến nói chung và thực phẩm Halah nói riêng. 

Singapore cũng có vai trò là quốc gia trung chuyển hàng hóa sang thị trường nước thứ 3. Ngoài các nước lân cận như Brunei, Indonesia, các nhà nhập khẩu Singapore có mạng lưới quan hệ với các bạn hàng người Hoa trên khắp thế giới, nhập khẩu hàng hóa từ nhiều nước để trung chuyển sang các nước rất đặc thù mà các doanh nghiệp nước khác khó tiếp cận.

Tận dụng lợi thế FTA

Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong khối ASEAN cùng ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Trong đó, theo Hiệp định Thương mại tự do EU - Singapore (EUSFTA), phía EU dành cho Singapore hạn ngạch xuất khẩu 2.500 tấn thực phẩm, và con số này đối với hiệp định thương mại tự do giữa Singapore và Vương quốc Anh (UKSFTA) là 500 tấn. Cho đến nay, lượng hàng xuất khẩu của Singapore vào các thị trường này vẫn chưa đạt được các hạn ngạch trên.

Trong khi đó, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam với nhãn hiệu của Singapore hoặc các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu từ Việt Nam sản xuất cho các sản phẩm của Singapore vẫn được hưởng miễn thuế vào các thị trường trên. Do đó, Singapore và các doanh nghiệp sản xuất tại đây có sự quan tâm lớn đến nguồn cung hàng hóa của Việt Nam, tìm kiếm các đối tác nhằm khai thác nguyên tắc xuất xứ, nguyên tắc xuất xứ cộng gộp của các hiệp định đã ký kết.

Tuy nhiên, để duy trì vị thế và tăng thị phần tại thị trường này, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động làm công tác nghiên cứu thị trường ngành hàng. Bên cạnh đó, để xuất khẩu vào Singapore, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, thiết kế bao bì, hướng dẫn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm bằng tiếng Anh như: Halal, ISO, VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực và chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại Singapore.

 

Bảo An

Từ khóa:
#h