Ra mắt vào đầu tháng 4 năm nay tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, Nước Lê đã có một bước phát triển thần tốc. Chỉ trong vòng vài tháng, chuỗi cửa hàng này đã mở rộng lên đến 31 cơ sở tại Hà Nội và thậm chí đã có mặt tại TP.HCM. Với menu đơn giản gồm 6 món, sản phẩm chủ đạo là nước lê ngọt với mức giá đồng nhất 20.000 đồng, Nước Lê đã đánh trúng tâm lý của đối tượng khách hàng trẻ tuổi - những người luôn tìm kiếm sự mới lạ, tiện lợi và giá cả phải chăng.
Không chỉ thu hút bởi mức giá bình dân, Nước Lê còn ghi điểm nhờ nhận diện thương hiệu bắt mắt với tông màu xanh lá cây tươi mát, phù hợp với không khí mùa hè. Trên các nền tảng mạng xã hội, giới trẻ đua nhau check-in và chia sẻ trải nghiệm về món đồ uống mới này. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi, cũng có một số ý kiến cho rằng hương vị nước lê tại đây còn hơi nhiều hương liệu và chưa thật sự tự nhiên.
Điểm đặc biệt của Nước Lê là thương hiệu này hoàn toàn thuộc sở hữu của công ty Việt Nam - Công ty TNHH Đầu tư Pika Lê Việt Nam. Với mục tiêu "phủ xanh đất nước", Nước Lê đã áp dụng chính sách nhượng quyền 0 đồng, mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều người.
Mô hình nhượng quyền đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong ngành đồ uống, đặc biệt là đối với các thương hiệu Trung Quốc khi gia nhập thị trường Việt Nam. Lợi thế của mô hình này là khả năng nhân rộng nhanh chóng và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn cho những người muốn khởi nghiệp. Doanh thu của các chuỗi này chủ yếu đến từ phí nhượng quyền, phí quản lý, và chi phí bán máy móc, nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, thay vì tập trung vào các mặt bằng đắt đỏ, họ thường chọn những địa điểm đông dân cư với chi phí thuê mặt bằng hợp lý.
Tuy nhiên, chiến lược nhượng quyền ồ ạt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mật độ cửa hàng dày đặc có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh nội bộ, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà đầu tư. Các chương trình giảm giá, khuyến mãi liên tục cũng là một con dao hai lưỡi, vừa thu hút khách hàng, vừa khiến lợi nhuận của cửa hàng bị bào mòn.
Với sự gia nhập của Nước Lê, thị trường đồ uống Việt Nam hứa hẹn sẽ càng thêm sôi động. Tuy nhiên, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, Nước Lê sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Bài toán đặt ra là làm sao để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa duy trì mức giá cạnh tranh, đồng thời xây dựng được một hệ thống nhượng quyền vững mạnh, mang lại lợi ích cho cả thương hiệu lẫn các nhà đầu tư.
Thành công của Nước Lê trong thời gian qua là một tín hiệu đáng mừng cho các thương hiệu Việt. Hy vọng rằng, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều thương hiệu nội địa khác vươn lên và khẳng định vị thế trên chính thị trường quê nhà.
Bảo An