CTCP Nước Thủ Dầu Một (mã chứng khoán TDM - sàn HOSE) thông qua phương án góp vốn thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ Cấp nước Gia Tân – Cẩm Mỹ.
Công ty cổ phần Dịch vụ Cấp nước Gia Tân – Cẩm Mỹ được thành lập ngày 1/8/2022, địa chỉ tại đường Gia Tân 1, ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, Đồng Nai và người đại diện pháp luật là ông Võ Văn Bình, đơn vị hoạt động chính là khai thác, xử lý và cung cấp nước.
TDM dự kiến góp 12 tỷ đồng để mua 1,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Dịch vụ Cấp nước Gia Tân – Cẩm Mỹ, tương ứng 20% vốn điều lệ. Ông Bình đang là đại diện pháp luật 3 công ty khác gồm Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật D&B; CTCP Đầu tư và Công nghệ nước Quốc tế; CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thống Nhất.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, TDM ghi nhận doanh thu thuần đạt 123 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn với 16% giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 47,9% lên 51,5% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 63 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, TDM lãi trước thuế 57 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TDM ghi nhận doanh thu đạt 353 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh do không còn khoản cổ tức nhận được như trong cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của TDM sụt giảm 22% xuống còn 154 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Về tình hình tài chính, cuối quý II, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 2.381 tỷ đồng, giảm 24 tỷ đồng so với đầu năm.Tiền và khoản tương đương với tiền của doanh nghiệp tại ngày 30/9 là 75 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 101 tỷ đồng lên 161 tỷ đồng do khoản tạm ứng gần 144 tỷ đồng cho ông Nguyễn Minh Đức đền bù cho những hộ dân có đất nằm trong khu vực tuyến ống đi qua và đất thực hiện thi công Dự án Xây dựng Công trình thu - Trạm bơm nước thô Tân Ba 2 và tuyến ống chuyển tải nước thô về nhà máy nước sạch Dĩ An theo Nghị quyết ngày 12/4 của HĐQT.
Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trên báo cáo tài chính là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết với giá gốc là 1.149 tỷ đồng cuối quý III song giá trị hợp lý lên tới 3.537 tỷ.
Riêng khoản đầu tư vào CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE) có giá gốc tới 1.061 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 37,42%. Tại ngày 30/9, giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào Biwase là 2.537 tỷ, gấp 3,3 lần giá gốc. Doanh nghiệp cho biết giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào Biwase là giá đóng cửa của cổ phiếu BWE tại ngày 30/9.